Cập nhật: 17/02/2018 09:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2017, ngành Hải quan đã có những cải cách quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh VN. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Có tiến bộ

Mấy năm gần đây, ngành hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện cho khâu thông quan hàng hóa XNK, góp phần thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành hải quan đã có những đột phá mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành hải quan thực hiện đồng bộ. Kết quả nổi bật có thể nhận thấy thông qua hệ thống thông quan tự động hóa.

 

Ngành Hải quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN (Ảnh minh họa: KT)

“Hệ thống thông quan tự động hóa đã được Tổng cục Hải quan (TCHQ) đưa vào vận hành trong hệ thống một cửa quốc gia. Hiện đã kết nối 11 bộ, ban, ngành và sắp tới sẽ mở rộng hơn, đồng thời, kết nối với 1 cửa của ASEAN. Về mặt kỹ thuật, TCHQ đã kết nối với 5 nước trong khu vực ASEAN để trao đổi thông tin cũng như những tờ khai hải quan, thông tin hải quan, các thông tin khác liên quan đến lĩnh vực tạo thuận lợi cho cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan cho biết.

Cùng với đó, hơn 90% số thu thuế của hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Một trong những dấu ấn nữa của ngành Hải quan năm 2017 là việc triển khai đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa tại khu vực cảng biển, cảng hàng không”. Đề án yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm góp phần tạo thuận lợi thương mại, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo tính toán của DN, thời gian làm thủ tục để đưa hàng ra/vào cảng trung bình khoảng 2 phút/ tờ khai. Như vậy, đơn cử với lượng tờ khai Hải quan Hải Phòng khoảng 1,3 triệu bộ/ năm, tổng lượng thời gian tiết giảm được lên tới hơn 40.000 giờ.

“Thực hiện đề án Kiểm tra, giám sát hàng hóa tại khu vực cảng biển, cảng hàng không giúp DN giải quyết thủ tục nhanh chóng, tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh. Phía Hải quan cũng quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hoá XNK tại khu vực cảng, kho bãi và lịch sử lô hàng khi vào Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định.

Đặc biệt, ngành Hải quan cũng đã thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, chuyển căn bản từ tiền kiểm sang hậu kiểm, điện tử hóa thủ tục quản lý để việc phân luồng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro tuân thủ của DN bằng hệ thống tự động đánh giá qua các thông tin về DN được cập nhật vào hệ thống.

“Hệ thống thông quan tự động hóa cũng giúp loại bỏ triệt để các tác nghiệp thủ công, sử dụng văn bản giấy trong một số công đoạn; tăng cường giám sát, kiểm soát đối với những lô hàng, DN trọng điểm có rủi ro cao, tránh việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan. Nâng cao hiệu quả phương thức quản lý rủi ro- một bước đi cụ thể trong áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản lý hải quan hiện đại”, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.

Vẫn nhiều điểm nghẽn

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, vẫn còn một số chồng chéo, trùng lắp, phức tạp trong kiểm tra chuyên ngành, tạo gánh nặng về chi phí, thời gian và làm mất thời gian, cơ hội kinh doanh của DN.

Bà Nguyễn Thị Minh Trinh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phong phú cho biết, trong quá trình thực hiện thủ tục XNK, DN vẫn gặp một số khó khăn.

“Khâu cuối khi DN xuất khẩu, khai hải quan xong, tờ khai luồng xanh có quyết định thông quan thì DN không cần in tờ khai ra ngoài cảng thanh lý nữa nhưng DN lại phải in danh sách conterner ra ngoài cảng quét mã vạch, thanh lý cho các conterner đó nên những DN ở xa rất khó khăn trong việc đi lại”, bà Nguyễn Thị Minh Trinh nói.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giảm được 1 thủ tục thông quan sẽ giúp cho DN tiết kiệm được khoảng 200 USD/lô hàng. Theo đại diện của Công ty tiếp vận Thăng Long, khó khăn lớn nhất của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) không thuộc về thủ tục hải quan mà phần lớn là quản lý chuyên ngành.

“Hệ thống liên thông giữa thuế và hải quan đôi khi cũng bị gián đoạn, dẫn tới việc DN có thể nộp thuế rồi nhưng vẫn chưa thông quan được hàng hóa do hệ thống của hải quan chưa tiếp nhận được các dữ liệu thuế do bên thuế chuyển qua nên DN buộc phải cung cấp các chứng từ bằng giấy thì hải quan mới thông quan”, ông Lê Thành Long, Công ty tiếp vận Thăng Long cho biết.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những bất cập trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành không chỉ là nguyên nhân dẫn đến thứ hạng về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây mà còn tạo gánh nặng cho DN và gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.

“Cần thay đổi cơ bản phương thức quản lý, áp dụng hải quan điện tử trong kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc trên cơ sở đánh giá rủi ro, chuyển căn bản sang hậu kiểm, điện tử hóa hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN, áp dụng chế độ DN ưu tiên”, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Theo các chuyên gia, việc kiểm tra chuyên ngành làm tốn thời gian, tốn chi phí nhưng hiệu quả không cao. Hiện tại Việt Nam, có 36% số lô hàng bị kiểm tra, cao gấp 3 lần các nước EU. Tuy nhiên, thống kê của TCHQ cho thấy, có chưa tới 1% các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành có sai phạm; riêng ngành thực phẩm chế biến sâu, tỷ lệ này chỉ là 0,02%. Với xác suất thấp như vậy, việc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành là bài toán thiết thực, hỗ trợ giảm thời gian thông quan cho các DN hiện nay.

Để tạo thuận lợi cho DN, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát hải quan, TCHQ cho biết, thời gian tới, toàn bộ hồ sơ liên quan đến đề nghị kiểm tra, cấp giấy phép cũng như việc trả kết quả kiểm tra sẽ được thực hiện trên hệ thống một cửa. Như vậy, sẽ rút ngắn được thời gian DN phải nộp hồ sơ giấy đến các cơ quan kiểm tra.

Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cũng khẳng định, năm 2018, ngành hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trong toàn ngành để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đồng thời, tiếp tục khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN, đánh giá chất lượng phục vụ khách hàng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN đối với việc thực thi pháp luật hải quan.

 

“TCHQ mong muốn cộng đồng DN tích cực tham gia phản ánh với cơ quan hải quan về những thông tin cán bộ, công chức hải quan còn gây phiền hà, sách nhiễu, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK (trước, trong và sau thông quan hàng hóa). DN cần chủ động cung cấp thông tin, khó khăn vướng mắc cụ thể, chi tiết, giải pháp xử lý của DN để Hiệp hội DN tổng hợp trao đổi, tham vấn định kỳ hàng tháng với cơ quan hải quan. Bên cạnh việc bổ sung nhân lực có chất lượng, DN cũng cần có kế hoạch trang bị, đầu tư ứng dụng công nghệ để kết nối mạng với cơ quan hải quan”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm