Kiểm định chất lượng mang tính quy chuẩn của khu vực và quốc tế đối với các trường đại học của Việt Nam vẫn còn là điều khá mới mẻ, tuy nhiên đã có những thành công ban đầu từ một số đơn vị tiên phong. Phóng viên có cuộc trao đổi của GS,TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chung quanh vấn đề này.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường ĐHKHTN.
Cần có sự chuẩn bị thật tốt
PV: Cuối tháng 12-2017, Hội đồng Bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á (gọi tắt là AUN-QA) đã công bố quyết định và trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cho Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN). Đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam và Đông-Nam Á thực hiện kiểm định, đạt chuẩn chất lượng cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Từ thành công này, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của một trường đại học Việt Nam khi tham gia kiểm định quốc tế?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Bảo đảm chất lượng giáo dục là một yếu tố bắt buộc đối với tất cả các trường đại học, tuy nhiên việc bảo đảm chất lượng cần phải đi kèm với việc được đánh giá bởi tổ chức bên ngoài, có thẩm quyền và mang tính khách quan. Để đăng ký kiểm định chất lượng của trường theo hệ thống tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á (AUN), trước hết chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ bộ tiêu chuẩn, tiêu chí này và có quá trình chuẩn bị toàn diện. Bản thân yêu cầu của AUN là nếu muốn đăng ký kiểm định cấp trường phải có tối thiểu 5 ngành được kiểm định và đạt tiêu chuẩn AUN-QA. Trường ĐHKHTN đã có 6 ngành được kiểm định và đạt chuẩn.
Việc kiểm định chất lượng các ngành đã giúp chúng tôi hiểu hơn triết lý về bảo đảm chất lượng của AUN-QA. Tuy vậy, kiểm định cấp ngành yêu cầu thấp hơn hay nói cách khác là có phạm vi nhỏ hơn rất nhiều. Kiểm định cấp ngành là người ta kiểm định ở mức đánh giá việc bảo đảm chất lượng đáp ứng chuẩn đầu ra của một ngành đào tạo mà mình tuyên bố, còn kiểm định cấp trường là kiểm định về việc mình đặt tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược…, triển khai thực hiện chiến lược đó như thế nào và đáp ứng như thế nào đối với các yêu cầu của các bên liên quan. Vì vậy, kiểm định cấp trường mang tính chất toàn diện.
Thứ hai là mình phải thể hiện tất cả thông qua Báo cáo tự đánh giá, đi kèm với việc cung cấp các minh chứng. Vì các chuyên gia của AUN sẽ căn cứ vào đó, và họ sẽ tìm hiểu về trường mình qua các kênh khác nhau như trang web chẳng hạn, sau đó họ sẽ tham quan trực tiếp cơ sở vật chất của Trường, đặc biệt là các đơn vị chức năng, là nơi triển khai các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu, cũng như các điều kiện cho quá trình hoạt động chuyên môn của cán bộ và người học. Và họ phỏng vấn các bên liên quan từ lãnh đạo đến thành viên Hội đồng khoa học, các cán bộ hành chính, các nhà chuyên môn, thầy giáo, sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng…
Thứ ba, chúng tôi nhận thấy là cần tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia. Vì việc kiểm định chất lượng mang tính quy chuẩn của khu vực và quốc tế đối với chúng ta vẫn mới mẻ nên những tư vấn như vậy giúp mình thể hiện tốt những gì mình có, đồng thời mình cũng chuẩn bị đầy đủ nhất những gì chuyên gia kiểm định yêu cầu.
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Phòng thí nghiện trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, Trường ĐHKHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một kinh nghiệm nữa là tổ chức, phối hợp tốt các hoạt động khi đoàn kiểm định đến làm việc trực tiếp, diễn ra trong 5 ngày, Trong quá trình này, đoàn chuyên gia có lịch trình làm việc dày đặc, với nhiều đối tượng (bên liên quan) khác nhau và tại nhiều địa điểm liên quan khác nhau của Trường, nên nếu không chuẩn bị, phối hợp tốt thì cũng làm cho người ta thấy cách thức tổ chức điều hành các hoạt động, sự kiện lớn của mình kém. Làm tốt công tác này sẽ cho thấy dầu là sự kiện nào đi chăng nữa thì một trường đại học khi hội nhập khu vực và quốc tế thì phải thể hiện đủ tầm vóc, tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, triển khai.
PV: Những tiêu chí nào của Trường ĐHKHTN được đoàn chuyên gia kiểm định đánh giá cao, thưa ông?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: AUN-QAcó hệ thống thang điểm từ 1-7. Các tiêu chuẩn đạt từ 4 điểm trở lên được coi là đạt tiêu chuẩn của AUN-QA. Trong số các tiêu chuẩn của Trường thì hai tiêu chuẩn về Quản lý khoa học và Kết quả nghiên cứu khoa học được đánh giá cao hơn cả, đạt 5 điểm.
PV: Vậy còn tiêu chuẩn nào họ khuyến cáo chúng ta cần cải tiến?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Tiêu chuẩn nào họ cũng có khuyến cáo nhất định ở mức độ khác nhau, vì thực tế mình chưa có tiêu chuẩn nào đạt điểm tối đa (xem như là mức đạt trình độ quốc tế xuất sắc). Như trong phần liên quan đến Chiến lược, họ khuyến cáo phải tăng cường hơn nữa sự đóng góp của Hội đồng tư vấn, cũng như sự phản biện của các tổ chức khác nhau. Thứ hai, trong phần bảo đảm chất lượng bên trong hay nội bộ, họ khuyến cáo gia tăng hơn nữa việc sử dụng CNTT trong quản lý điều hành. Về nghiên cứu, họ khuyến cáo làm thế nào để kết nối nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và với các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các hoạt động của sinh viên, thì cần nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất, làm thế nào để sinh viên thêm nhiều không gian vui chơi giải trí và tự do sáng tạo…
Nói chung trong mọi tiêu chuẩn tiêu chí họ đều có khuyến cáo, bởi vì bộ tiêu chuẩn, tiêu chí này được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, và chúng ta biết là nếu so với những trường hàng đầu thì còn rất nhiều thứ để ta cần phấn đấu.
PV: Nhà trường có đề ra kế hoạch cụ thể gì không sau khi đạt chuẩn đánh giá, thưa ông?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Sau kiểm định, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hành động toàn diện để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Trường về đạo tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng... Việc đạt chuẩn AUN là mốc quan trọng và đây là cơ hội để Trường tiếp tục tiến nhanh hơn, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện hơn về đào tạo, nghiên cứu trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Điều thầm kín đằng sau mỗi chứng nhận
PV: Chúng ta có nên thỏa mãn với kiểm định đạt được? Hay trong tương lai, theo ý kiến của ông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng, và các trường đã đạt được kiểm định uy tín nói chung vẫn cần hướng tới thêm một kiểm định khác?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Chứng nhận của hệ thống kiểm định chất lượng nào thì cũng có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định từ 4-5 năm. Trong 4-5 năm đó, họ có thể trở lại tham quan cơ sở được công nhận đạt chuẩn và đặc biệt, hết thời gian hiệu lực của chứng nhận thì cần phải được đánh giá lại. Thường họ rất quan tâm là những khuyến cáo đưa ra trong quá trình kiểm định có được đơn vị được kiểm định xem là quan trọng để có giải pháp nâng cao chất lượng hay không. Thực tế, các khuyến cáo của họ đều rất đúng và thẳng thắn, nên họ sẽ đánh giá cao khi chúng ta có hành động toàn diện để không ngừng nâng cao chất lượng thông qua lần kiểm định, ngược lại họ đánh giá rất thấp nếu đơn vị đạt chuẩn không quan tâm để cải tiến chất lượng.
Hơn nữa, không chỉ khuyến cáo của các chuyên gia kiểm định, mà trong quá trình đối chiếu các tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng báo cáo đánh giá phục vụ quá trình kiểm định thì bản thân đơn vị mình cũng nhận thấy những điểm còn chưa mạnh. Đó chính là những điểm thầm kín đằng sau chứng nhận. Nhận ra những điểm mạnh để phát huy rất quan trọng nhưng nhận ra điểm yếu để khắc phục còn quan trọng hơn.
Với lộ trình hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều nữa để vươn lên đẳng cấp cao hơn, thí dụ như không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước mà còn cho khu vực và quốc tế, trong nghiên cứu phải kết nối để đưa các nghiên cứu ra phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước…
PV: Ông có nhận xét như thế nào về các tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học Bộ GD-ĐT đang áp dụng hiện nay cho các trường khi so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Theo tôi biết, ngày 19-5-2017 Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT, liên quan đến việc ban hành quy định kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và bộ tiêu chuẩn này hoàn toàn tương đồng với bộ tiêu chuẩn của AUN-QA, có nghĩa là sẽ không còn sự chệnh lệnh giữa các tiêu chí đánh giá giữa nước ta với Mạng lưới các trường trong khu vực ASEAN. Còn trước đó, bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT khác hơn, liên quan nhiều đến việc kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng. Chiến lược của AUN thì theo logic: xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch, kiểm tra thực hiện kế hoạch và cuối cùng là cải tiến. Tất cả mọi tiêu chuẩn, trừ phần kết quả của bộ tiêu chuẩn AUN-QA, đều xây dựng theo triết lý bốn bước như vậy. Có nghĩa là xây dựng kế hoạch phải rất chuẩn, toàn diện, khoa học, thực hiện kế hoạch phải rất nghiêm túc... Và việc thực hiện kế hoạch phải có kiểm tra đánh giá bằng tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định. Trong quá trình kiểm tra đánh giá phát hiện ra những vấn đề yếu kém thì phải tiến hành khắc phục và cải tiến. Bằng triết lý như vậy thì quá trình bảo đảm chất lượng thể hiện một lộ trình liên tục về nâng cao chất lượng. Phần kết quả của họ có bốn nhóm: kết quả đào tạo, kết quả nghiên cứu, kết quả gắn kết và phục vụ cộng đồng, kết quả tài chính và thị trường. Có nghĩa là việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch, kiểm tra, đánh giá, cải tiến của các tiêu chuẩn dù rất tốt thì vẫn phải được thể hiện ở khâu cuối cùng là kết quả. Và như vậy, theo tôi, đạt được tiêu chuẩn của AUN là đạt yêu cầu cao.
PV: Ngoài danh tiếng cho các trường đại học tăng lên, khi đạt kiểm định quốc tế, chúng ta còn nhận được những giá trị nào khác?
GS,TS Phan Tuấn Nghĩa: Khi triển khai kiểm định và được công bố là đạt chuẩn thì các bên liên quan trong đó có người học, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào và thấy rằng đó là một sự công nhận của một tổ chức có thẩm quyền. Tổ chức đó càng uy tín, làm việc càng khách quan, toàn diện thì giá trị của sự công nhận đó càng lớn. Mọi người sẽ không phải tìm hiểu hay đánh giá một cách mày mò.
Trong những khuyến cáo của các tổ chức đánh giá thường có góp ý là trường đại học cần bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các bên liên quan. Có thể hiểu rằng sản phẩm của trường đại học phải hướng đến xã hội, nhà tuyển dụng, hướng đến cộng đồng, và người học đương nhiên người ta muốn sau khi học xong một trường đại học nào đó thì được đón nhận bởi nhà tuyển dụng, bởi cộng đồng. Chính vì vậy, có thể nói rằng các trường đại học càng tiên tiến thì sẽ càng quan tâm đến người học và nhà tuyển dụng.
Xin trân trọng cảm ơn GS,TS Phan Tuấn Nghĩa!
LÊ HÀ
Theo nhandan.com.vn