Cập nhật: 19/02/2018 11:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm qua, thị trường bán lẻ (TTBL) Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng của các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, đồng thời dấy lên lo ngại về việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường, mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cạnh tranh, nhiều ý kiến tích cực lại cho rằng, nguy cơ cũng chính là những “cú huých” mạnh vào các doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) trong nước, buộc họ bừng tỉnh, thay đổi để dần thích nghi theo chuyển động của luật chơi quốc tế.

Người tiêu dùng thanh toán mua hàng tại siêu thị Fivimart Hà Nội. Ảnh: HÀ MINH

Hướng đi riêng cho doanh nghiệp trong nước

Những năm gần đây, TTBL Việt Nam đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, TTBL Việt Nam luôn được đánh giá cao về tiềm năng bán lẻ bậc nhất khu vực. Trong đó, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Đức (GFK), TTBL Việt Nam với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2008 - 2014 đạt 11,7% và dự báo tăng trưởng 13% trong giai đoạn 2015 - 2018. Theo thống kê, hiện chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+ (Tập đoàn Vingroup) đang chiếm ưu thế với hơn 1.000 cửa hàng trên cả nước; kế tiếp là Circle K, vào Việt Nam năm 2008 hiện có 242 cửa hàng; B’s mart có 166 cửa hàng; Family mart có gần 150 cửa hàng,... Mặc dù bán lẻ là một “miếng ngon béo bở”, nhiều tiềm năng nhưng hiện tại, doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp nhiều khó khăn bởi hạn chế về nguồn lực, kỹ năng kinh doanh, hệ thống quản trị. Trong khi đó, những nhà đầu tư nước ngoài, với kế hoạch bài bản, nhanh chóng, quyết liệt dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, mua bán sáp nhập đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tính đến nay, gần 55% thị phần TTBL đã thuộc về các nhà đầu tư ngoại.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, việc mở cửa thị trường, cùng sự hấp dẫn của TTBL Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của các DN nước ngoài. Với quy mô đầu tư bài bản, đến nay các DNBL nước ngoài đã dần thiết lập, hình thành các mạng lưới phân phối hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, được người tiêu dùng đánh giá cao. Mặt khác, các DNBL nước ngoài có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ mức độ chuyên nghiệp, uy tín về thương hiệu và sự tin cậy từ các nhà cung ứng hàng hóa trong nước và ngoài nước hơn các nhà bán lẻ Việt Nam. Do đó, nếu các DN Việt Nam không có sự chuẩn bị, nâng cao năng lực cạnh tranh rất có thể sẽ bị mất quyền kiểm soát thị trường và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các DN ngoại. Với đặc thù hệ thống mạng lưới phân phối của các DNBL trong nước phần lớn là quy mô nhỏ nên để tận dụng lợi thế này mà vẫn cạnh tranh sòng phẳng với các DN ngoại, các DN trong nước cần tận dụng những lợi thế như phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và tiếp tục phát triển thương hiệu ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành. Chủ động trong công tác xây dựng nguồn hàng trong nước có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định,...

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op), sự cạnh tranh trực tiếp trên TTBL buộc các DN phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn cho những chiến lược dài hạn. Không còn cách nào khác, các DN phải điều chỉnh chiến lược, mô hình, phương thức kinh doanh hiện nay theo hướng đa dạng để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. Chính vì vậy, thời gian tới, Sài Gòn Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood, đây là những hệ thống có quy mô vừa và phục vụ khách hàng số đông. Bên cạnh đó, tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như mô hình đại siêu thị Co.op Xtra, mô hình khu phức hợp VivoCity. Trong liên doanh này, Sài Gòn Co.op xác định nguyên tắc xuyên suốt với đối tác là phần bán lẻ siêu thị, đại siêu thị phải thuộc độc quyền của Sài Gòn Co.op.

Thay đổi để thích nghi

Có thể thấy, nếu không chủ động tìm kiếm những hướng đi mới, DNBL trong nước sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. Bởi nhìn một cách khách quan, DNBL trong nước còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài nhiều mặt. Tuy đã có những cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu... Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: Chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Muốn thay đổi phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ như đưa hình thức bán lẻ đa kênh, cả trực tuyến (online) lẫn truyền thống (offline) vào hệ thống vì đây sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Có như vậy mới hỗ trợ được DN trong nước mở rộng thị trường đưa hàng Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, các tập đoàn bán lẻ của nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị DN và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu. Do đó, họ hơn hẳn và có thể áp đảo các DN trong nước. Trong khi đó, các DN Việt Nam khó khăn về vốn, điều kiện sản xuất, phân phối nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, không ít các thương hiệu bán lẻ có tên tuổi của Việt Nam đã bị DN nước ngoài mua lại, hoặc tham gia mua cổ phần, từng bước thâu tóm. Mặt khác, việc xây dựng chiến lược và quy hoạch mạng lưới bán lẻ, siêu thị ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nói riêng thời gian qua phần nhiều mang tính tự phát. Do đó có sự mất cân đối giữa cung và cầu trên địa bàn cả nước và các địa bàn trọng điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoạch định chính sách cụ thể để xây dựng mạng lưới bán lẻ phù hợp. Ngoài ra, cũng cần có những chính sách, khuyến khích phát triển như hỗ trợ về tài chính, tín dụng, cơ sở hạ tầng siêu thị, phát triển thương mại điện tử... nhằm giúp các DN có đủ sức để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DNBL nước ngoài.

Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và có chỗ đứng bền vững trên thị trường, các DN sản xuất trong nước cần nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành; xây dựng được sản phẩm bán lẻ với dịch vụ cung ứng chất lượng cao cũng như tận dụng tốt các cơ hội để nắm bắt thị trường. Trong đó, chú trọng các giải pháp đồng bộ để tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh sự phát triển của DN như đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. Xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng online. Khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, xây dựng chính sách giá cả hợp lý, hạ giá bán hàng hóa, muốn vậy phải tìm cách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến hoặc cũng có thể đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng. Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản, kết nối với các nhà cung cấp và trở thành nhà đại lý phân phối cho nhiều nhà sản xuất, kết nối thị trường bắc - nam, tạo kênh hàng hóa hai miền phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước,...

 

Theo HOÀNG DŨNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm