Cập nhật: 20/02/2018 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Báo cáo tình hình giá cả thị trường dịp Tết Mậu Tuất 2018 của Bộ Tài chính công bố cho thấy: Do được nghỉ Tết dài nên việc mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày. Tuy nhiên, áp lực sức mua sắm tăng cao, nên dù lượng cung hàng hóa dồi dào những ngày đầu năm mới giá cả vẫn có xu hướng tăng hơn so với ngày thường.

Người dân tìm mua các loại bánh tại cửa hàng của Công ty cổ phần Bibica trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường ổn định sau Tết

Vào những ngày đầu Xuân, hầu hết các siêu thị đều không mở cửa, chỉ một số sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng mở bán lấy may. Người dân chủ yếu đi thăm hỏi chúc Tết và lễ chùa đầu năm, do đó, sức mua giảm, giá cả hàng hóa ít biến động. Từ ngày mồng 2, mồng 3 Tết, một số chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Thành Công, chợ 8-3,... đã có cửa hàng mở bán hoa tươi, rau, củ, quả tươi, hải sản, thịt bò, thịt lợn, giá tăng nhẹ so với ngày thường. Thịt bò thăn giá từ 270 đến 300 nghìn đồng/kg, cá chép to giá khoảng 130 nghìn đồng/kg, thịt lợn từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg. Do thời tiết ấm áp, nguồn cung các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ,... dồi dào, giá chỉ nhích hơn ngày thường từ 10 đến 15%. Sang ngày mồng 3, nhiều siêu thị thuộc hệ thống Hapro, Fivimart, BigC, Aeon... đã mở cửa trở lại. Giá các mặt hàng trong siêu thị ổn định, lượng hàng tươi sống khá đầy đủ với mức giá bình ổn, góp phần kiểm soát giá thị trường.

Lấy lý do “ngày Tết”, một số tiểu thương kinh doanh dịch vụ, hàng hóa tại các khu vui chơi, tham quan ở Hà Nội đã đẩy giá lên cao. Quanh khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, vườn hoa Lê-nin, công viên Thống Nhất,... nhiều dịch vụ trò chơi cho trẻ em tăng giá gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Các trò chơi lái ô-tô, đi xe trượt,... giá từ 40 đến 50 nghìn đồng/15 phút. Nhiều bãi trông giữ xe máy, ô-tô tự phát cũng xuất hiện với mức giá tăng gấp ba, bốn lần ngày thường. Hàng loạt các quán cà-phê, trà sữa, nước giải khát tại các tuyến phố Nguyễn Hữu Huân, Triệu Việt Vương, Lý Thường Kiệt, Nhà Thờ,... không nghỉ Tết, trở thành điểm hẹn của nhiều gia đình, nhóm bạn bè gặp gỡ, trò chuyện. Giá các loại đồ uống không tăng so với ngày thường, nhưng nhiều quán tính thêm 10 đến 30% phí phục vụ ngày Tết.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong ngày mồng 3 Tết, nhiều chợ truyền thống mở cửa trở lại như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Phó Cơ Điều (quận 11), chợ Phú Lâm (quận 6),... giá cả thịt gia súc, gia cầm, rau quả không tăng nhờ nguồn hàng bình ổn giá được chuẩn bị từ trước. Ở hệ thống bán lẻ của Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như Co.opmart, Co.opFood,... cũng đã mở cửa kinh doanh trở lại, với các loại củ, quả, trái cây tương đối đa dạng, có loại giảm giá tới 15%. Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nhận định, sức mua thị trường Tết năm nay tăng 10 đến 15% so với Tết năm 2017, trong đó sức mua tại các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng từ 20 đến 30%. Tại Cần Thơ, cũng trong ngày mồng 3 Tết, giá các loại thực phẩm tươi sống tăng 30 đến 40% so ngày thường, gà ta giá 140 đến 150 nghìn đồng/kg, cá lóc đồng 170 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thịt lợn không tăng giá những ngày cận Tết mà có xu hướng giảm, giá bán dao động 50 đến 60 nghìn đồng/kg do lượng thịt được nhập về các siêu thị, chợ đầu mối nhiều.

Hàng hóa dồi dào

Theo khảo sát trong những ngày Tết tại các thành phố lớn, nhiều người dân đã về quê đón Tết, nhưng nhìn chung sức mua vẫn tăng mạnh. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, hoạt động mua sắm sôi động ở các mặt hàng hoa, cây cảnh, rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Tại Hà Nội, sức mua ngày 30 tăng nhiều so với ngày 29 Tết. Tại các chợ truyền thống, mặt hàng được mua bán nhiều nhất là rau xanh, hoa quả bày bàn thờ và gà ta còn sống hoặc luộc sẵn. Nhiều nơi như tại chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá gà luộc từ 300 đến 350 nghìn đồng/con, gấp gần hai lần ngày thường. Giá một nải chuối đẹp bán từ 300 đến 400 nghìn đồng. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, lượng hàng hóa dồi dào nên dù sức mua tăng 30 đến 35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định. Tại siêu thị Big C (đường Lê Trọng Tấn), hàng hóa được mua nhiều là các loại bánh mứt kẹo, bánh chưng (giá 60 nghìn đồng/chiếc), giò lụa (giá 160 nghìn đồng/cây), cà chua (giá 20 nghìn đồng/kg),...

Tại TP Hồ Chí Minh, sức mua Tết trên thị trường tăng 20 đến 30% so ngày thường, tập trung tại các chợ lẻ vào buổi sáng. Tại chợ đầu mối, giá bán các mặt hàng tương đối ổn định, riêng mặt hàng thịt gia súc và gia cầm biến động không đáng kể. Tại các chợ lẻ, giá mặt hàng thịt gia súc giảm nhẹ sau khi đã tăng trong các ngày trước; các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, thủy, hải sản, hoa bày Tết tăng nhẹ. Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, trong những ngày Tết Mậu Tuất 2018, các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân như gạo, thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát,... rất dồi dào, sức mua tăng 10 đến 20% nhưng giá chỉ tăng khoảng 5 đến 10%, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Thậm chí, trong hai ngày 29 và 30 Tết, các loại hoa cảnh, dưa hấu giảm giá 30 đến 50% do lượng hàng hóa nhiều nhưng ít người mua. Đến trưa 30 Tết, nhiều quầy hàng hoa cảnh ở chợ hoa bến Ninh Kiều, đường Hoàng Văn Thụ,... đã phải hạ giá, “xả hàng” do vắng người mua. Các loại hoa cúc, hoa hồng,... giá mỗi chậu chỉ 20 đến 30 nghìn đồng, giảm hơn 50% so với trước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dù việc mua sắm của người tiêu dùng dàn trải nhiều ngày, nhưng vẫn tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo), kéo dài đến 30 Tết. Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, quà bánh, quần áo mới... được người tiêu dùng mua sắm từ trước, cho nên giá cả ổn định.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN

 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm