Cập nhật: 21/02/2018 11:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỉnh Vĩnh Phúc có đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng, Cao Lan và dân tộc Dao. Vào những ngày lễ, Tết, mỗi dân tộc lại có những món ăn đặc trưng, thể hiện văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc mình. 

 

So với các dân tộc khác, người Dao ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô ăn Tết sớm hơn. Sau lễ chạp làng, người Dao bắt đầu ăn Tết từ ngày 20/12 âm lịch. Mỗi gia đình ăn Tết vào một ngày khác nhau, tùy thuộc vào công việc của mỗi nhà. Mâm cỗ Tết của người Dao khá đặc biệt. Bà con sắp thịt theo từng món trên chiếc mâm được lót lá chuối tươi. Đa số các loại thịt đều được luộc, ít khi có món chiên, xào.

Cho đến ngày nay, người Dao vẫn duy trì việc sắp mâm cỗ Tết như trước kia. Chỉ có điều, món ăn phong phú và đa dạng hơn. Giải thích về nguồn gốc lối sắp mâm cỗ độc đáo này, nhiều người dân ở đây cho biết: Trước kia, người Dao có lối sống du canh du cư, đời sống thiếu thốn, không có mâm bát. Họ phải lấy gỗ đóng thành mâm; lấy ống mai, ống nứa đẽo thành bát. Nhà nào may mắn lắm thì kiếm được cái gáo dừa để đựng thức ăn. Do đó, họ nghĩ ra cách trải thức ăn lên lá chuối để giữ vệ sinh cho thực phẩm. Lối sắp cỗ đó được lưu truyền cho tới ngày nay, trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Dao.

Với đồng bào dân tộc Dao, dù ở bất cứ thời đại nào, dù đời sống văn hóa có nhiều đổi mới song việc chế biến các món ăn truyền thống vẫn được bà con nơi đây duy trì như một nét văn hóa đặc sắc.

ST

Tệp đính kèm