Lạnh giá gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và là nguy cơ làm bùng phát nhiều bệnh, đặc biệt là viêm khớp - căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
Cách giảm đau khớp khi trời lạnhSữa và chế phẩm từ sữa, các loại hạt, đậu nành, cá hồi và rau xanh là những thực phẩm rất tốt cho người bệnh khớp.
Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Triệu chứng của viêm khớp bao gồm đau khớp, cứng khớp, đau mạn tính, đỏ và sưng khớp. Viêm khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở khớp vai, khớp hông, cột sống và khớp gối.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng lên các khớp viêm như thế nào?
Khi trời lạnh, các khớp viêm bị đau tái phát, đau dữ dội đến mức không thể chịu nổi. Một số chuyên gia cho rằng do trời lạnh, áp suất khí quyển bị thay đổi. Số khác lại cho do sự co thắt của các mạch máu để giảm mất nhiệt và giữ ấm cho cơ thể. Những điều đó làm kích hoạt các dây thần kinh và làm tăng cảm giác đau. Đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm ra mối liên hệ giữa chứng viêm khớp và thời tiết lạnh, nhưng chưa đưa ra kết luận đầy đủ. Thực tế cho thấy, thời tiết ấm áp làm giảm các triệu chứng của viêm khớp.
Lạnh giá làm tổn hại các tế bào xương và sụn khiến các triệu chứng viêm khớp dễ bùng phát. Trời rét kèm theo độ ẩm tăng cao do mưa phùn làm cho các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn khiến cho các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động. Cơ thể trở nên nhạy cảm hơn trong mùa lạnh do kích thích thần kinh. Lưu lượng máu cũng tăng hơn trong mùa lạnh, vùng quanh các khớp viêm nhiều máu hơn gây ra sưng đỏ khớp.
Giảm các hoạt động thể chất: trời lạnh khiến mọi người ngại tập thể dục và các hoạt động thể chất. Hầu hết những người bị chứng viêm khớp dễ bùng phát các triệu chứng trong mùa đông do ít hoạt động dẫn đến cứng khớp và làm cho cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi đi lại.
Các loại viêm khớp thường gặp
Viêm xương khớp: xảy ra khi các mô đệm các khớp giữa các xương bị thoái hóa liên tục. Nếu không có lớp đệm này, xương sẽ sưng lên và gây đau đớn khi vận động. Viêm khớp cũng có thể xảy ra sau chấn thương.
Viêm khớp dạng thấp: xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và giết chết tế bào cơ thể, làm cho mô giữa các khớp bị sưng. Viêm khớp dạng thấp làm giảm rõ rệt tính linh hoạt và vận động của cơ thể và theo thời gian sẽ làm xói mòn xương.
Viêm khớp vẩy nến: thường gặp ở những người bị bệnh vẩy nến với đặc trưng là da khô, đỏ và bong vẩy trên da. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể quá nhạy cảm.
Gout: do acid uric lắng đọng ở khớp. Tinh thể muối urate lắng đọng ở nhiều khớp và các bộ phận khác nhau của cơ thể, gây rất nhiều đau đớn cho người bệnh và làm hạn chế vận động.
Làm thế nào để giảm đau khớp khi trời lạnh?
Bảo vệ khớp đúng cách để tạo lớp cách nhiệt trong suốt mùa lạnh có thể giúp ngăn chặn cơn đau một cách lâu dài. Khăn quàng, găng tay, tất, quần áo dày dặn giúp giữ ấm cơ thể và các khớp không bị cứng khớp do lạnh. Tập thể dục và giữ sự hoạt động cũng là những hoạt động tối cần thiết trong mùa lạnh, đặc biệt đối với những người bị viêm khớp giúp giảm đau và phòng ngừa cứng khớp. Hình thức tập luyện phù hợp nhất là đi bộ và tập yoga. Ngoài ra, hằng ngày nên xoa bóp các khớp làm cho khớp ấm lên.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị, giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần chú ý bổ sung đầy đủ protein và các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D; ăn nhiều thực phẩm chứa canxi như sữa, các loại đậu. Các sản phẩm từ sữa tươi và đậu nành chứa rất nhiều canxi giúp bảo vệ cơ xương và ngăn ngừa viêm khớp. Các thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi và các loại hạt, rau lá xanh hay cải xoăn giúp cải thiện triệu chứng viêm khớp. Hạn chế các thực phẩm chất béo cao, thực phẩm có tính kích thích, đông lạnh, hải sản và các sản phẩm quá chua, quá mặn (lạc, rượu trắng, các loại rau củ, trứng, cá muối…). Giảm cân, ăn các bữa ăn lành mạnh và tập thể dục đều đặn để giảm đau và các triệu chứng liên quan đến chứng viêm khớp. Giảm cân giúp giảm khối lượng gây áp lực lên các khớp. Việc thừa cân hoặc quá nặng gây nhiều áp lực lên đầu gối và khớp hông, làm tăng nguy cơ viêm khớp.
Khi có biểu hiện của viêm khớp, nhất thiết phải đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu. Có nhiều loại bệnh viêm khớp khác nhau và mỗi loại đều đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ có thể kê toa khi cần thiết, với các loại thuốc giúp giải quyết cơn đau bao. Khi bị chẩn đoán mắc viêm khớp cấp, tuyệt đối không được vận động.
BS. Hải Châu
Theo suckhoedoisong.vn