Cập nhật: 26/02/2018 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NÐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Tuy nhiên, với những vướng mắc phát sinh trong thực tế, việc triển khai chính sách đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần sớm được khắc phục.

 

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá Cư - Lèn của ông Nguyễn Văn Cư (Quảng Ngãi) được đóng mới từ nguồn vốn vay theo chương trình 67.

Ðồng hành cùng ngư dân bám biển

Ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Trường Hải, xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là khách hàng lâu năm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Trong chương trình vay vốn theo Nghị định 67, ông Thân được vay đóng tàu vỏ gỗ công suất 800 CV có tổng trị giá 13 tỷ đồng, trong đó vay Agribank 9 tỷ đồng. Tháng 12-2016, tàu của ông Thân đã hạ thủy, ra khơi. Từ đó đến nay, gia đình ông đều trả nợ gốc lãi trước hạn đầy đủ cho ngân hàng. Tham gia đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt được sau mỗi chuyến đi biển đều có mối thu mua với giá cao cho nên kinh tế của gia đình ông cũng trở nên khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Cư, ở thôn Phú An (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã có quan hệ tín dụng với Agribank từ gần 20 năm nay. Trước khi đăng ký vay vốn đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định 67 từ tháng 9-2017, ông Cư đã vay vốn của Agribank để đóng sáu con tàu vỏ gỗ đánh bắt hải sản, công suất từ 520 CV trở xuống. Sau 20 năm đánh bắt xa bờ, đến nay, kinh tế gia đình ông Cư đã khá giả và con cái đều khôn lớn, có công ăn việc làm. Bản thân ông Cư, sức khỏe không còn bảo đảm để theo thuyền ra khơi trong những chuyến đi dài ngày, cho nên ông quyết định bán cả ba đôi tàu đánh bắt để chuyển sang đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ông đã được Agribank chi nhánh huyện Tư Nghĩa phê duyệt cho vay để đóng con tàu công suất 940 CV có thể chở được khoảng 200 khối dầu cùng các loại khác như gạo, hàng hóa,… với tổng giá trị 14,8 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 14 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, những khách hàng như ông Thân hay ông Cư đều phát triển kinh tế gia đình, không những có tích luỹ, đầu tư mua thêm máy móc, trang thiết bị lớn và hiện đại hơn, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động. Ðáng chú ý, họ luôn giữ được chữ tín với ngân hàng bằng việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ.

Theo số liệu từ Agribank, đến 31-12-2017, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 đạt 5.032 tỷ đồng với 616 khách hàng (tăng 2.102 tỷ đồng và 154 khách hàng so với đầu năm 2017). Số lượng tàu đóng mới và nâng cấp là 561 tàu; trong đó, đóng mới tàu dịch vụ là 98 tàu, tàu khai thác là 374 tàu và nâng cấp là 89 tàu. Tàu có công suất máy chính từ 400-800 CV là 272 tàu, hơn 800 CV là 344 tàu; tàu vỏ thép 133 tàu, tàu vỏ gỗ 424 tàu, tàu vỏ composite 59 tàu. Ðã có 31 Chi nhánh Agribank ở các tỉnh ven biển giải ngân vốn vay theo các hợp đồng tín dụng ký kết.

Gỡ vướng chính sách

Chương trình tín dụng cho vay theo Nghị định 67 được các ngân hàng triển khai thực hiện đến nay đã hơn ba năm. Trong số những đội tàu hùng hậu bám biển vươn khơi của đất nước, có nhiều con tàu hình thành nên phần chính từ nguồn vốn vay của ngân hàng.

Tại nhiều địa phương, một bộ phận không nhỏ ngư dân có ý thức về việc trả lãi, trả nợ phân kỳ hạn chế, thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu về trả nợ theo quy định. Theo Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa Nguyễn Văn Hòa, nhiều chủ tàu khi đến kỳ trả nợ nhưng cứ khất lần và nói là lỗ nặng nhưng khi cán bộ tín dụng tìm đến nhà thì không thấy hoặc hỏi đang ở đâu thì họ nói là đang ở trên biển. “Ðặc thù của nghề biển đánh bắt khắp nơi cho nên có lúc chủ tàu thường bán hải sản nơi tàu ở gần nhiều cảng ở các tỉnh khác nhau như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi,... và neo đậu tàu tại các cảng lớn ở các tỉnh. Ðiều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm tra giám sát tài sản bảo đảm tiền vay và nguồn thu nhập của ngư dân để trả nợ ngân hàng”, Giám đốc Agribank Nghệ An Phan Ðức Tiến cho biết.

Bên cạnh đó, quy định của chương trình là người vay vốn chỉ có trách nhiệm trả lãi cho ngân hàng một phần, phần còn lại do ngân sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện Agribank vẫn đang chờ số tiền cấp bù lãi suất lên đến gần 100 tỷ đồng, tính riêng cho chương trình theo Nghị định 67. Với mức lãi suất cho vay quy định là 7%/năm, thời hạn cho vay từ 11đến 16 năm, nếu Agribank thu hồi được đầy đủ toàn bộ dư nợ gốc, đồng thời được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất kịp thời, thì Agribank cũng chỉ mới duy trì được mức cân bằng so với chi phí huy động vốn đầu vào (kỳ hạn dài) hiện tại là 6,97%/năm.

Ngoài ra, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc khác mà Agribank tại nhiều địa phương trên cả nước gặp phải khi bắt tay vào triển khai Nghị định 67 như hồ sơ cho vay rất phức tạp, phải qua nhiều cơ quan chức năng trong khi đó trình độ và khả năng thiết lập hồ sơ của chủ tàu còn hạn chế, ngân hàng phải hướng dẫn và cùng với chủ tàu phối hợp các cơ quan chức năng để thực hiện mất nhiều thời gian. Cùng với đó, chính sách cho vay hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 cũng còn bất cập, gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro cho ngân hàng khi cho vay. Cụ thể, theo Nghị định 67, thời hạn cho vay kéo dài trong khi cơ chế hỗ trợ bảo hiểm cho tàu đóng mới thực hiện hằng năm, nhưng khi hết năm tài chính, việc hướng dẫn chế độ bảo hiểm cho năm kế tiếp chưa được kịp thời và để tàu được ra khơi hoạt động thì bắt buộc các chủ tàu phải mua bảo hiểm cho con tàu và các thuyền viên…

Như vậy, có thể thấy, chương trình cho vay theo Nghị định 67 sau một thời gian triển khai đã đạt những hiệu quả bước đầu, nhưng cũng cần thiết phải tiếp tục có những sửa đổi kịp thời để chính sách thật sự đi vào cuộc sống. Theo đại diện lãnh đạo Agribank, Nghị định 67 chỉ mới ban hành nội dung thực hiện quy trình dự án, nhưng chưa ban hành các chế tài về xử lý sai phạm trong thực hiện dự án, chưa ban hành cơ chế xử lý các chủ tàu không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước cũng như chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, từ đó dẫn đến nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Do đó, cần đưa ra chế tài về xem xét trách nhiệm của các chủ tàu bằng việc yêu cầu phải có bảo đảm một phần bằng tài sản của gia đình, cá nhân; tránh tình trạng, làm ăn được thì không trả nợ, lúc không làm ăn được thì bỏ tàu cho Nhà nước xử lý, dẫn đến thất thoát vốn. Mặt khác, để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Agribank cũng đề xuất áp dụng có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại Nghị định 67.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, sẽ có nhiều cơ chế mới theo hướng Trung ương sẽ hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vốn cho cá nhân, doanh nghiệp ngành thủy sản... Cụ thể, ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng năm Trung tâm nghề cá lớn; ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các dự án do bộ, ngành trung ương quản lý đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung;... Nghị định 17/2018/NÐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25-3-2018. Các chính sách quy định tại nghị định này được thực hiện kể từ ngày 1-1-2018.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm