Cập nhật: 27/02/2018 10:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã họp với các bộ, ngành đánh giá tình hình thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

 

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

2/12 dự án đã có lãi

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, kết thúc năm 2017, việc triển khai Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương cơ bản đạt mục tiêu đề ra, hoàn thành phê duyệt phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ gồm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP số 2 - Lào Cai, DAP số 1 - Hải Phòng và một dự án nhà máy sản xuất thép là dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, nhà máy gang thép Lào Cai.

Trong đó, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, nhà máy gang thép Lào Cai, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi. Các dự án khác đều có lộ trình xử lý cụ thể theo nguyên tắc thị trường, không để kéo dài, gây thiệt hại cho nhà nước.

Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đều đã hoàn thành xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lộ trình cắt lỗ cho từng năm đến năm 2020, kế hoạch tiết giảm chi phí cho các năm.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Tình trạng hiện tại của Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) hết sức khó khăn nên việc khởi động lại toàn bộ nhà máy sẽ khó thực hiện theo kế hoạch.

PVTex đã lập hồ sơ mời hợp tác và thông báo mời thầu, đến nay đã nhận được hồ sơ đề xuất hợp tác của Công ty cổ phần An Phát Holding.

PVTex đang tổ chức đánh giá hồ sơ, dự kiến trong tháng 4/2018 sẽ đề xuất phương án cùng với các cơ chế, chính sách để đảm bảo phương án khả thi nhất.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã triển khai các thủ tục thuê tư vấn định giá tài sản của PVTex, sẵn sàng phương án chuyển nhượng khi cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực hiện định giá tài sản nhà máy thời điểm hiện tại để xác định giá chuyển nhượng cổ phần của PVN tại PVTex phục vụ công tác thoái vốn là không khả thi do không đủ cơ sở để thực hiện các phương pháp thẩm định giá theo hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành của Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận, bên cạnh các thuận lợi khi nhiều dự án đã có chuyển biến trong đàm phán với các nhà thầu, khởi động lại sản xuất để giảm lỗ thì 12 dự án này gặp khó khăn chung là chưa được các tổ chức tín dụng giãn, khoanh nợ, xử lý khấu hao của các dự án đang vận hành.

Còn theo Chủ tịch Tập đoàn PVN Trần Sỹ Thanh, các nhà máy, dự án của PVN như PVTex gặp khó khi không được dùng tiền ngân sách, kể cả tiền của PVN để “cứu” các nhà máy, dự án yếu kém.

Ông Thanh đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép PVN được dùng tiền của Tập đoàn với tư cách là các nhà đầu tư để chi trả hoạt động các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ để các dự án, nhà máy khác đang thiếu vốn khởi động lại sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Thanh đồng tình với việc xử lý nghiêm các sai phạm của các cá nhân liên quan tới tình trạng thua lỗ, chậm tiến độ, nhưng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, công bố vào các thời điểm thích hợp, không làm ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả khắc phục hoạt động các nhà máy.

Dự án mỏ sắt Quý Xa đã tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2018, việc khai thác mỏ này vừa phục vụ trong nước, vừa xuất khẩu để không còn tình trạng khó khăn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa thông tin và cho biết thêm Tập đoàn đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm và hệ thống xử lý thu hồi kim loại, đồng thời tổ chức khai thác mỏ sắt Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế 3 triệu tấn/năm.

Những dự án “trùm mền, đắp chiếu” bắt đầu hoạt động trở lại

Đánh giá bức tranh của 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ đã khả quan, sáng sủa hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phần lớn nhiệm vụ giao cho các tập đoàn, tổng công ty năm 2017 đã hoàn thành.

Một số doanh nghiệp bắt đầu có lãi, một số giảm lỗ và một số dự án đã tìm được hướng ra.

Những dự án “trùm mền, đắp chiếu” đã bắt đầu hoạt động trở lại do các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, sớm xây dựng và triển khai kế hoạch một cách có hệ thống cùng sự cố gắng của từng tổng công ty, tập đoàn. Bài học này phải tiếp tục phát huy trong năm 2018.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thử thách còn nhiều, phải nỗ lực gấp bội mới đạt được mục tiêu trong năm 2018 là tạo ra sự chuyển biến căn bản trong các dự án này.

Đặc biệt là những khó khăn nổi lên trong tranh chấp các hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), vấn đề quyết toán các dự án.

Phương án chung là phải xử lý theo lộ trình, cố gắng thương thảo ở mức cao nhất để đạt được các mục tiêu.

Không thương thảo được thì cần có cơ quan tài phán giải quyết, thậm chí là tòa án, cần cẩn trọng trong các phương án khởi kiện, thuê tư vấn pháp lý chặt chẽ cùng sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp. Việc xử lý các tranh chấp hợp đồng và quyết toán phải giải quyết trong quý I năm 2018 và có phương án xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Phó Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, một mặt tạo năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao hơn, đồng thời tập trung cắt bỏ năng lực sản xuất dư thừa, yếu kém, không còn khả năng phục hồi.

Khẳng định Chính phủ kiên quyết không cung cấp thêm nguồn vốn cho 12 dự án này, không dùng ngân sách để cứu dự án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xử lý các dự án phải trên nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro và lợi ích của các bên có liên quan trong vấn đề cơ cấu lại tín dụng, kỳ hạn vay, lãi vay.

Đối với đề nghị của Chủ tịch PVN sử dụng vốn của Tập đoàn để vực dậy các dự án, Phó Thủ tướng cho biết vướng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương cần đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét, làm rõ quy định việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.../.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/kien-quyet-khong-dung-ngan-sach-de-cuu-du-an-yeu-kem-thua-lo/489876.vnp

Tệp đính kèm