Từ những ngày đầu Xuân đến nay, tại các di tích, lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều điểm trông giữ xe tự phát mọc lên thi nhau “chặt chém” du khách. Điều đáng nói, tình trạng này đã xuất hiện nhiều năm qua, nhưng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vẫn chưa có phương thức quản lý hiệu quả, khiến người dân bức xúc, Nhà nước thất thu thuế.
Bãi trông giữ xe trên vỉa hè gần tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội). Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã bố trí các điểm trông giữ phương tiện miễn phí, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, người dân khi đi vãn cảnh, chiêm bái tại các đền, chùa, di tích, lễ hội lớn... Việc tổ chức hướng dẫn người dân vào gửi xe, vị trí để xe cũng được thực hiện tương đối bài bản. Tại tổ đình Phúc Khánh (phố Tây Sơn), nhằm tạo thuận lợi cho hàng chục nghìn phật tử tới tham dự các khóa lễ tháng Giêng, chính quyền sở tại đã lập các điểm trông giữ phương tiện và cho người dân mượn ghế ngồi miễn phí… Tuy nhiên, những điểm trông giữ xe miễn phí do các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tại các địa điểm nêu trên chỉ duy trì được trong một vài ngày đầu Xuân. Trong khi nhu cầu gửi xe của người dân tăng cao, kéo dài đến khoảng qua rằm tháng Giêng. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức, cá nhân lập các điểm trông giữ xe tự phát, thi nhau “chặt chém” người gửi phương tiện…
Tại khu vực chùa Trấn Quốc, nhiều tổ chức, cá nhân đã lập các điểm trông giữ phương tiện trái phép chung quanh di tích. Khu vực vườn hoa, cây xanh góc phố Yên Hoa và đường Thanh Niên bị chiếm dụng làm điểm trông giữ xe máy. Mọi lối đi trong vườn hoa, đường dạo dành cho người đi bộ quanh Hồ Tây đều chật kín xe máy của khách đi lễ. Thậm chí, khu vực trồng cây xanh, thảm cỏ cũng bị xe máy chiếm dụng, đè nát. Còn tại điểm trông giữ xe ô-tô tại đây, các phương tiện dừng đỗ lộn xộn. Không đủ chỗ chứa, hàng chục ô-tô đỗ trái phép thành hàng dài dưới lòng đường Thanh Niên, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các phương tiện khác. Đáng chú ý, người vào gửi xe ô-tô được nhân viên phát vé tự in, phí trông giữ mỗi lượt là 50 nghìn đồng, trong khi theo quy định là 30 nghìn đồng/lượt. Việc sử dụng vé tự in đã gây thất thu cho Nhà nước do không kiểm soát được số vé đã phát ra, tiền thu được hoàn toàn nằm ngoài sổ sách.
Tại một số địa điểm khác như đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh, Chùa Hà, công viên Thủ Lệ..., bên cạnh những bãi trông giữ xe được cấp phép, có niêm yết giá, có khá nhiều điểm trông giữ xe tự phát, thu giá, phát hành vé sai quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi trông giữ… Tại điểm trông giữ xe đạp, xe máy được cấp phép tại khu vực đền Quán Thánh, mặc dù niêm yết giá trông giữ xe đạp 2.000 đồng/lượt, xe máy 3.000 đồng/lượt, nhưng người gửi xe máy vẫn bị thu 10.000 đồng/lượt, xe đạp là 5.000 đồng/lượt. Cơ sở này cũng ngang nhiên tận dụng vỉa hè để trông giữ ô-tô dù không được cấp phép.
Đáng chú ý, tại điểm trông giữ xe phủ Tây Hồ sau những ngày Tết được gửi xe miễn phí, từ ngày 20-2 (mồng 5 Tết), việc trông giữ ô-tô có thu phí tại phủ Tây Hồ được quận Tây Hồ giao Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Huy Khánh đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi Đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng thực hiện giám sát, đã phát hiện công ty này đã lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe và thu vượt giá quá quy định. Tất cả các xe ô-tô gửi vào bãi đều đồng loạt nhận vé 30 nghìn đồng/lượt, bất kể xe ô-tô từ chín chỗ ngồi trở xuống hay xe từ 10 chỗ ngồi trở lên. Trong khi quy định của thành phố, tại khu vực này, giá trông giữ xe ô-tô từ chín chỗ ngồi trở xuống là 20 nghìn đồng/lượt, xe ô-tô từ mười chỗ ngồi trở lên là 25 nghìn đồng/lượt. Phó Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội Vũ Ngọc Anh cho biết, dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, đoàn công tác cũng đã kiểm tra tại đây và phát hiện Công ty Huy Khánh sử dụng vé không đúng quy định, năm nay tình trạng này lại tái diễn. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ chấn chỉnh, xử lý quyết liệt, triệt để, tránh tình trạng “ bắt cóc bỏ đĩa”.
Tình trạng thi nhau “chặt chém” khách gửi phương tiện cũng diễn ra tại phố Văn Miếu. Tại đây, tại điểm trông giữ xe của Công ty cổ phần 901 do UBND quận Đống Đa cấp phép, giá trông giữ xe luôn cao hơn giá niêm yết, khiến người dân bức xúc. Anh Nguyễn Văn Cảnh, ở quận Long Biên cho biết: “Bảng giá của công ty ghi rõ mức phí theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội là xe đạp (từ 6 đến 18 giờ) là 3.000 đồng/lượt, từ 18 đến 23 giờ là 5.000đồng/lượt; xe máy (từ 6 đến 18 giờ) là 5.000 đồng/lượt, từ 18 đến 23 giờ là 8.000 đồng/lượt, nhưng ngày 24-2, tôi gửi xe máy từ 15 giờ đến 16 giờ 30 phút, nhân viên vẫn thu 10 nghìn đồng”.
Mặc dù công tác tổ chức, quản lý các điểm trông giữ phương tiện tại các di tích, lễ hội, khu vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong một vài năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến, nhưng việc xuất hiện các điểm trông giữ phương tiện sai phép, không phép, tự ý tăng giá trông giữ phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến, khiến dư luận rất bức xúc. Thành phố Hà Nội cần yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là tại các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí sai quy định. Thu hồi ngay giấy phép đối với các điểm trông giữ xe vi phạm nhiều lần hoặc gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Cần sớm bổ sung quy hoạch các bãi trông giữ xe tại khu vực nội thành, các điểm đình, chùa, các khu vui chơi thu hút đông du khách, đáp ứng nhu cầu của người dân, để tình trạng các điểm trông giữ xe tự phát thi nhau “chặt chém” người dân, du khách không tái diễn.
ĐẮC SƠN và AN TRÂN
Theo nhandan.com.vn