Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành nông nghiệp xuất hiện nhiều vấn đề như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phân bón giả, thực phẩm bẩn, kém chất lượng, thậm chí là tham nhũng, sử dụng sai vốn nhà nước, gây thiệt hại kinh tế nặng nề tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công an và Bộ NN và PTNT đã có chương trình phối hợp hành động, nhằm làm "sạch" môi trường nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Ðấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi sự mưu trí, kiên cường của các chiến sĩ cảnh sát. Ðại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị chức năng của Tổng cục Cảnh sát đã chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT để nắm tình hình, trao đổi thông tin, tài liệu phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý hành vi sai phạm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, nghiệp. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phối hợp Thanh tra của Bộ NN và PTNT để đấu tranh, chống hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, đưa hóa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất vắc-xin trái phép. Trong đó, đã phát hiện được 116 cơ sở doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 9,5 tỷ đồng. Trong quá trình đấu tranh, C49 và Thanh tra Bộ NN và PTNT đã phát hiện Công ty TNHH sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (trụ sở tại Khu công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) có sử dụng chất vàng ô - chất không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong chăn nuôi để trộn vào thức ăn chăn nuôi. Tại hiện trường xưởng sản xuất, đoàn kiểm tra tịch thu, niêm phong 14 kg chất vàng ô được doanh nghiệp sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm. Ðoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm đối với doanh nghiệp, lấy mẫu sản phẩm để phục vụ quá trình kiểm tra thành phần chất cấm salbutamol nếu có. Ðây là chất ngoài danh mục, chỉ được phép sử dụng tạo mầu cho công nghiệp dệt, nhuộm, giấy. Chất này đã qua thí nghiệm trên động vật, có thể gây ung thư. Từ sự nguy hại nói trên, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ NN và PTNT bổ sung chất vàng ô vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và chấn chỉnh việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng salbutamol - là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, tình trạng "lâm tặc" tàn phá những cánh rừng xuất hiện ở hầu hết các địa bàn trên cả nước. Lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đã chủ động phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo tới lực lượng Công an địa phương để thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Tính riêng trong hai năm 2016 - 2017, lực lượng Cảnh sát toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 20.000 vụ (trong đó, xử lý hình sự 368 vụ), tịch thu hơn 26.000 mét khối gỗ các loại.
Một "góc tối" khác của ngành nông nghiệp chính là, việc xuất hiện những "nhóm tội phạm" tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ NN và PTNT có hành vi câu kết sử dụng vốn, tài sản Nhà nước trái pháp luật, gây thiệt hại kinh tế lớn. Cục Cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) cho biết, từ năm 2015 đến nay đã phát hiện được năm vụ việc, gây thiệt hại hơn một nghìn tỷ đồng, khởi tố 13 bị can là cán bộ, lãnh đạo tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ NN và PTNT. Ðiển hình là các vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh, Tổng Công ty lương thực Miền Nam trong hoạt động kinh doanh lúa gạo, gây thiệt hại 662 tỷ đồng; tại Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam và một số đơn vị thành viên đầu tư góp vốn trái quy định vào Công ty cổ phần chế biến XNK thủy sản Ðồng Tháp, gây thiệt hại 43,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các doanh nghiệp tư nhân bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ, chứng từ mua bán nguyên liệu thủy sản, lúa gạo để vay vốn tại các ngân hàng diễn ra ở nhiều địa phương. C46 đã phát hiện ba vụ, gây thiệt hại 1.280 tỷ đồng, khởi tố 11 bị can là giám đốc, kế toán tại các doanh nghiệp tư nhân. Ðiển hình là các vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thủy sản Thiên Mã (Cần Thơ), Công ty TNHH SX thương mại và dịch vụ Thuận An (An Giang), Công ty TNHH Thịnh Phát (Long An).
Ðánh giá sự phối hợp trong những năm vừa qua giữa Bộ Công an và Bộ NN và PTNT, lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, năm 2017, đã hạn chế được đến mức thấp nhất những vấn đề tiêu cực trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, góp phần giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo LÊ TÚ/nhandan.com.vn