Không ít đàn ông lấy vợ nhiều năm liền mong chờ có con nhưng niềm vui vẫn chưa đến. Và khi được người vợ thúc giục, động viên tìm đến bác sĩ nam khoa thăm khám mới vỡ lẽ hệ sinh dục có vấn đề.
Hệ sinh dục… không chịu lớn
Người đàn ông làm nghề kinh doanh ở khu phố cổ Hà Nội tìm gặp bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, đã có những nghi ngờ về bản thân có vấn đề từ năm lên 16-17 tuổi. Hồi ấy, trong khi bạn bè của anh đều lớn phổng phao, đổi giọng thì anh vẫn không thấy mình có sự thay đổi gì, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Nhưng do ái ngại, tự ti, anh không dám đi khám và cũng không dám thổ lộ cùng ai. Thậm chí, anh đã nghĩ tới việc sau này sẽ không lập gia đình.
Nhưng bước ngoặt ở năm lên 35 tuổi, anh gặp được một cô gái có nhiều đồng cảm. Lập gia đình, cũng là thời gian những mặc cảm che giấu bấy lâu nay của anh bắt đầu bộc lộ. Điều anh cảm nhận rõ ràng nhất chính là anh không hề thấy mặn mà trong đời sống chăn gối. Đây chính là lý do lấy vợ gần 3 năm nhưng vợ chồng anh chưa có con.
Khi có các dấu hiệu bất thường, nam giới nên đi khám chuyên khoa để điều trị
Quá nóng ruột, thấu hiểu nhau trong đời sống vợ chồng, bà xã anh đã khuyên chồng cùng nhau đi khám. Khi làm các xét nghiệm, sức khỏe sinh sản người vợ bình thường. Với người chồng, vị bác sĩ nam khoa hết sức ngạc nhiên khi thấy người đàn ông sắp bước vào tuổi trung niên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dậy thì. Bộ phận sinh dục của anh nhỏ như của cậu bé lên 9-10 tuổi, hai tinh hoàn nhỏ xíu. Các đặc tính sinh dục phụ cũng chưa thấy, như anh không hề có lông nách, râu ria nhẵn nhụi, nói giọng trong trẻo như một cậu bé. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh không có tinh trùng, lượng nội tiết tố nam rất thấp, mặc dù các hormon hướng sinh dục khác bình thường. Bác sĩ chỉ định điều trị sớm để tìm cơ hội có con.
Người đàn ông sau đó đã được BS. Nguyễn Bá Hưng lập phác đồ điều trị. Với trường hợp này, ban đầu bác sĩ không hy vọng nhiều vào sự thành công, nhưng rất may sau 3 tháng điều trị đã tiến triển rất tốt, như tinh hoàn to gấp đôi, lông nách và râu bắt đầu mọc. Sau liệu trình gần 1 năm, xét nghiệm tinh dịch đồ của anh đã xuất hiện có tinh trùng, dù ít nhưng tinh trùng khỏe. Theo bác sĩ, bệnh nhân tiếp tục điều trị và theo dõi, đồng thời được khuyên sinh hoạt tình dục bình thường với hy vọng có thai tự nhiên, còn không với lượng tinh trùng có được vợ chồng anh có thể dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản để thụ thai.
Một nam giới khác là anh Hồng Quân, 28 tuổi, được BS. Nguyễn Bá Hưng tiếp nhận với bộ phận sinh dục nhỏ như của trẻ em, hai tinh hoàn bé như hạt lạc. Đây cũng là trường hợp do ái ngại tìm đến bác sĩ thăm khám. Đến năm ngoái, được vợ động viên, anh đi khám, chữa trị theo phác đồ sau 3 tháng thấy các bộ phận bắt đầu phát triển. Hiện nay, anh sinh hoạt vợ chồng bình thường và tin vui là họ sẽ đón em bé chào đời trong mùa hè năm nay.
Đi khám khi có dấu hiệu bất thường
Theo BS. Nguyễn Bá Hưng - Phụ trách phòng khám Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, những trường hợp nam giới kể trên trong y học gọi là chứng suy sinh dục hay chậm dậy thì. Trong thực tế, có không ít nam giới mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều để tới ngoài 20 tuổi mới đi khám. Bác sĩ cho biết, trước đây, theo quy luật “gái thập tam, nam thập lục”, trẻ nam thường dậy thì khi khoảng 16-17 tuổi. Hiện nay, độ tuổi dậy thì sớm hơn, khoảng 14-15. Khi đó, các bạn trẻ sẽ thấy một số dấu hiệu như bộ phận sinh dục bỗng lớn phổng phao, giọng nói thay đổi từ trong sang khàn, đục, mọc lông ở nách, vùng sinh dục, bắt đầu có hiện tượng xuất tinh, có thể xuất tinh trong lúc ngủ (mộng tinh)... Thời kỳ này, tinh hoàn hoạt động, sản sinh đủ nội tiết tố, tạo ra các đặc tính của người nam. Tới 17-18 tuổi, nam giới dậy thì hoàn toàn (bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ, ham muốn tình dục rất cao...).
Tuy nhiên, một số bạn trẻ vì lý do nào đó quá trình này bị chậm lại, thậm chí không xảy ra. Hiện nay, y học hiểu biết về cơ chế và các yếu tố thúc đẩy sự dậy thì vẫn chưa được đầy đủ. BS. Hưng cho biết, có giả thiết cho rằng ở tuổi dậy thì, vùng dưới đồi (nền của đại não) nhận được tín hiệu thần kinh “đã đến lúc” để vùng này được giải phóng (thoát ức chế) và sản xuất ra hormon LHRH (Luteinizing hormon - releasing hormon). Hormon này kích thích xuống tuyến yên, tuyến yên ra lệnh cho cơ quan sinh dục phải hoàn thiện và chín muồi. Sự hoàn thiện và chín muồi của tinh hoàn đánh dấu sự trưởng thành của người nam giới. Thời điểm ban đầu của sự hoàn thiện này được gọi là dậy thì. Ở những người chậm dậy thì, có thể các xung tín hiệu thần kinh từ não chưa đủ mạnh để gây thoát ức chế. Theo bác sĩ, tình trạng chậm dậy thì này khác hẳn với bệnh lý teo tinh hoàn, mặc dù có một số biểu hiện giống nhau như tinh hoàn nhỏ, bộ phận sinh dục bé, không có hoặc có rất ít tinh trùng. Teo tinh hoàn là chỉ các trường hợp tinh hoàn trước đó đã phát triển bình thường, đã khởi phát dậy thì nhưng vì một nguyên nhân nào đó như bị teo nhỏ sau chấn thương, bị viêm tinh hoàn do quai bị, bị sau khi phẫu thuật hay xạ trị bệnh.
Điều đáng nói, có rất nhiều trường hợp bị bệnh lý chậm dậy thì nhưng do mặc cảm, tự ti, ngại ngùng không dám đi khám bác sĩ đã dẫn tới điều trị muộn khó khăn hơn và hiệu quả thấp. Nam giới nếu thấy có các biểu hiện như tinh hoàn nhỏ, dương vật nhỏ hơn so với các bạn cùng lứa tuổi (ở trẻ nhỏ), đến 16-17 tuổi mà vẫn chưa lớn, nách không thấy mọc lông, ria mép không xuất hiện... thì cần sớm đi khám để được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách.
Theo Hoàng Nam/suckhoedoisong.vn