Phép dưỡng sinh mùa xuân nói chung và dưỡng sinh ăn uống nói riêng, trên cơ sở nguyên tắc thuận ứng với tự nhiên, phải chú ý bảo vệ và bồi dưỡng dương khí, tuân thủ nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương”.
Từ xa xưa, con người đã nhận thấy mọi vật xung quanh mình có khá nhiều biến đổi mang tính chu kỳ: mặt trời mọc buổi sáng và lặn buổi tối, ngày rằm trăng tròn rồi lại khuyết, cây cối ra hoa kết quả có thời vụ, phụ nữ hàng tháng thấy kinh và mọi người đi ngủ ban đêm để rồi ban ngày lại thức dậy và hoạt động… Tất cả những biến đổi đó đã được con người ghi nhận và tìm cách vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Cổ nhân có câu: “Quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành, tận hỷ”, có nghĩa là: mọi việc sẽ tốt đẹp nếu như ta biết nhìn trời (nhận biết các quy luật tự nhiên) và làm thuận theo trời (tuân thủ các quy luật tự nhiên). Nguyên tắc cơ bản của phép dưỡng sinh phương Đông cũng chỉ rõ là phải thực hành “tam nhân chế nghi”, bao gồm: “nhân nhân chế nghi”, “nhân địa chế nghi” và “nhân thời chế nghi”, có nghĩa là: phải tùy người mà làm, tùy nơi mà làm và tùy thời mà làm. Thật kỳ lạ cách đây hàng nghìn năm, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển nền y học phương Đông đã đề cập khá sâu sắc đến những vấn đề của thời sinh lý học, thời bệnh học, thời điều trị học, thời châm cứu học… và đặc biệt đã xây dựng nên phương pháp dưỡng sinh thuận theo những quy luật của thời sinh - khí tượng học.
Y thư cổ Nội kinh đã viết: “Âm dương bốn mùa là căn bản của vạn vật, là nguồn gốc của sinh, trưởng, lão, tử, trái với quy luật này thì tai hại sẽ đến; thuận theo quy luật này thì bệnh tật không phát sinh, như thế là đắc đạo, là biết pháp dưỡng sinh”. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trong thiên Dưỡng sinh sách Nội kinh yếu chỉ cũng đã viết: “Người đời thượng cổ đều biết phép dưỡng sinh, thể theo quy luật âm dương, điều hòa theo thuật số, ăn uống có tiết chế, làm việc nghỉ ngơi có giờ giấc điều độ, không phí sức bừa bãi, cho nên tinh thần và thể chất luôn luôn khang kiện”.
Trong khung cảnh đất trời dâng đầy sức sống, vạn vật tràn lan tốt tươi ấy, cổ nhân khuyên người ta nên ngủ muộn một chút, dậy sớm một chút rồi đi bách bộ ngoài sân, xõa tóc, nới đai, mặc đồ thoáng rộng, để cho ý tưởng trở nên khoáng đạt tựa như vạn vật mới sinh, chỉ nên sinh mà không phạt, cho đi mà không lấy lại. Nếu làm trái với lẽ trên thì sẽ hại tới can khí, đến mùa hạ sẽ sinh ra các bệnh hàn, năng lực thích nghi của cơ thể bị giảm sút.
Theo cổ nhân, phép dưỡng sinh trong từng tháng của mùa xuân có khác nhau:
Tháng Giêng là tháng phát dương, vạn vật hồi sinh, sinh nhưng không sát, cho nhưng không lấy lại. Con người cần giữ gìn không được làm thoát khí, nằm đầu quay về hướng bắc. Tôn Chân Nhân trong sách Lý luận dưỡng sinh nói: tháng giêng dễ bị bệnh thận, khí của phế yếu ớt, cần giảm ăn mặn và ăn chua, tăng ăn vị cay để bổ thận và phế, không được để lạnh quá nhưng cũng không nên mặc quá ấm. Buổi sáng nên dậy sớm để thư giãn thân thể và tinh thần.
Tháng Hai ngày dài đêm ngắn, khi tâm trí không ổn định thì không được để người quá lạnh hoặc quá nóng để dưỡng thần khí, nằm đầu quay về hướng đông. Lúc này, tạng can đang khỏe nên ăn cay nhiều, bớt ăn chua để trợ can bổ thận, cần trừ đờm, làm toát bớt mồ hôi để xua tan khí độc mùa đông.
Tháng Ba vạn vật đâm chồi nảy lộc, nắng nóng, cần đi ngủ sớm và dậy sớm để dưỡng khí, nằm đầu quay về hướng đông bắc. Tôn Chân Nhân nói: lúc này tạng tâm hoạt động mạnh, khí Mộc dồi dào, nên ăn giảm vị ngọt, tăng vị cay để bồi bổ tinh khí. Cần tránh khí hướng tây, thư giãn cơ thể, hòa thuận với khí trời.
Trong cả ba tháng, vào những ngày đẹp trời nên ra khỏi nhà đi dạo hai ba dặm tùy theo sức mình, khi có bạn bè hàng xóm đến thăm nên cầm tay họ đi dạo vài trăm bước hoặc ngồi trò chuyện vui vẻ nhưng không để quá đà (Thiên kim dực phương).
Về ăn uống trong mùa xuân, sách Ẩm thực chính yếu viết: mùa xuân vạn vật phục hồi, khí dương trong vạn vật cũng như trong cơ thể con người từ từ hồi sinh và thăng phát, hân hoan chào đón hơi ấm của mùa xuân sau một thời gian dài liễm tàng dưới tiết trời mùa đông lạnh giá. Cơ thể con người cũng hưng phấn cùng trời đất, toàn thân cảm giác nhẹ nhõm, tay chân linh hoạt, tinh thần phấn chấn, sức lực sung mãn, quá trình chuyển hóa thay cũ đổi mới trong nhân thể cũng dần dần vượng thịnh. Bởi vậy, phép dưỡng sinh mùa xuân nói chung và dưỡng sinh ăn uống nói riêng, trên cơ sở nguyên tắc thuận ứng với tự nhiên, phải chú ý bảo vệ và bồi dưỡng dương khí, tuân thủ nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương”. Muốn vậy, thức ăn cần trọng dụng các loại thực phẩm có vị cay, tính ấm và tránh dùng các thức ăn lạnh dễ làm tổn thương dương khí. Hơn nữa, theo học thuyết ngũ hành, can thuộc Mộc, tỳ thuộc Thổ, can mộc vượng thịnh sẽ khắc phạt tỳ thổ. Mùa xuân là mùa ứng với can mộc, nếu không biết phép dưỡng sinh mà làm cho can mộc quá vượng tất sẽ khiến cho tỳ thổ bị suy yếu mà phát sinh tật bệnh. Bởi vậy, dưỡng sinh ăn uống mùa xuân không những cần tạo điều kiện cho tạng can hoạt động thuận lợi với vai trò là cơ quan chủ khí mà còn phải chú ý tránh làm cho can mộc vượng thịnh quá mức và bảo trợ tỳ vị làm tốt chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Tôn Tư Mạo, y gia trứ danh đời Đường (Trung Quốc) trong sách Thiên kim yếu phương khuyên nên ăn ít của chua, nhiều của ngọt về mùa xuân để bảo dưỡng tỳ vị. Mặt khác, cũng cần chú ý tránh dùng quá nhiều đồ bổ béo, khó tiêu dễ làm tổn thương tỳ vị, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh lý đường tiêu hóa.
Ngày nay, y học hiện đại đã chứng minh cơ thể con người như một chiếc đồng hồ sinh học với đặc tính hoạt động có nhịp, một phẩm chất căn bản không thể thiếu được của nó. Các nhà khoa học cũng nhận thấy hoạt động theo nhịp từng mùa trong năm là đặc tính chung của tất cả các chức năng trong cơ thể sống. Người ta thấy rằng khả năng hưng phấn tinh thần và cơ bắp của con người vào mùa xuân cao hơn mùa đông rất nhiều, đặc biệt là độ nhạy cảm sáng sáng của mắt. Thêm nữa, huyết áp trung bình có xu hướng tăng về mùa xuân và mùa hè, hạ vào mùa thu và mùa đông. Như vậy, nhịp hoạt động theo mùa của cơ thể con người thể hiện rất rõ quy luật chủ yếu có ý nghĩa thích nghi. Mùa xuân và mùa hạ điều kiện bên ngoài thuận lợi cơ thể con người tăng hoạt tính để sinh sôi phát triển; mùa thu và mùa đông điều kiện không thuận lợi thì các cơ chế bảo vệ đi vào hoạt động để thu liễm, tàng trữ chuẩn bị cho sự phát triển vào mùa xuân năm sau. Điều này thật sự phù hợp với quy luật “xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng” của triết lý phương Đông.
Rõ ràng, phép dưỡng sinh bốn mùa nói chung và phép dưỡng sinh mùa xuân nói riêng đã hàm chứa trong nó một nội dung rất phong phú và độc đáo. Dường như đó còn là một “nghệ thuật sống” hoặc cao hơn nữa là một “đạo sống”. Thêm một lần nữa chúng ta tự hỏi: phải chăng trong nghệ thuật và khoa học gìn giữ và bảo vệ sức khỏe, từ lâu y học cổ truyền đã thấy rõ tầm quan trọng của yếu tố thời gian, điều mà y học hiện đại mới đang nhìn ra, chứng minh và vươn tới?
ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN
Theo suckhoedoisong.vn