Cập nhật: 04/03/2018 10:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua đánh dấu thành công vượt trội về doanh thu của phim Việt Nam. Thay vì bị phim ngoại lấn át như mấy năm trước, phim Việt trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khán giả, mang về doanh thu “khủng” vượt ngoài mong đợi. Tuy nhiên, số lượng chưa đi kèm với chất lượng và chung quanh vấn đề phát hành phim vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm.

Theo thống kê, sau 11 ngày ra rạp, phim Siêu sao siêu ngố (đạo diễn Đức Thịnh) là bộ phim đạt doanh thu cao nhất, thu về 87 tỷ đồng. Kế tiếp là phim 798 Mười (đạo diễn Dustin Nguyễn) đạt 55 tỷ đồng. Hai bộ phim Đích tôn độc đắc (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) và Về quê ăn Tết (đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh) không công bố doanh thu, dù kinh phí đầu tư sản xuất không quá cao (khoảng 10 tỷ đồng/phim). Sự e dè này khiến nhiều người cho rằng, việc thu hút khách tới rạp của hai phim này không ổn.

Quả thật, theo nhiều diễn đàn điện ảnh và mạng xã hội, phim Đích tôn độc đắc dù có danh hài Hoài Linh sắm vai chính song vẫn không thể ăn khách, mà còn khiến không ít khán giả thất vọng vì “hài nhảm”, giống một chương trình tạp kỹ hơn là phim điện ảnh. Hoài Linh từng được mệnh danh “vua phim Tết” bởi có duyên diễn hài mang lại doanh thu khổng lồ trong vài mùa Tết trước, tuy nhiên, thời khán giả bỏ tiền mua vé chỉ bởi cái tên Hoài Linh “bảo chứng” dường như đã qua. Khi thị hiếu người xem dần được nâng cao thì những dự án phim hài nhảm, nhạt, nội dung lỏng lẻo và dễ dãi cũng mất dần chỗ đứng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm “mùa phim Tết” được sử dụng rộng rãi để nói về một thời điểm với nhiều yếu tố thuận lợi cho các phim trong nước ra rạp. Nhiều nhà sản xuất cả năm im hơi lặng tiếng, nhưng đến dịp này cũng phải dồn sức để làm phim. Mặc dù thời điểm hiện tại, phim Việt ra rạp đều đặn hằng tháng, nhưng làm phim Tết vẫn là một cơ hội để mang về lợi nhuận lớn, đồng thời ghi dấu ấn với công chúng. Sau vài mùa thử nghiệm các thể loại và đề tài mới lạ như kinh dị, trinh thám, viễn tưởng… thất bại, phim Tết năm nay quay về với mầu sắc hài hước, tươi sáng, xen kẽ tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Các phim Siêu sao siêu ngố, 798 Mười, Về quê ăn Tết dù chủ đạo vẫn là hài bình dân, hướng đến khán giả đại chúng, nhưng kỹ thuật làm phim và những tình tiết thú vị đã hay hơn nhiều. Đáng mừng, những yếu tố câu khách cũ kỹ và có phần phản cảm như lạm dụng người mẫu hoặc người đẹp khoe thân, làm lố cho nhân vật có xuất thân đặc biệt (người nhà quê, đồng tính…) được tiết chế hẳn.

Có thể thấy, sự thắng thế của phim Việt dịp Tết này không quá khó lý giải khi chất lượng hầu hết các phim đều đạt trên mức trung bình, cộng thêm yếu tố khách quan là không có phim ngoại nhập nào xuất sắc cạnh tranh. Một yếu tố quan trọng nữa, là doanh thu được quyết định một phần không nhỏ bởi nhà phát hành. Thị trường phát hành phim Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh với số lượng phòng chiếu, rạp chiếu tiếp tục tăng cao qua từng năm. Hiện nhà phát hành phim lớn nhất hiện tại là CGV vẫn đang trong lộ trình mở thêm 12 đến 15 cụm rạp mỗi năm, dù đã sở hữu 55 cụm rạp, 338 phòng chiếu; Lotte Cinema theo đuổi mục tiêu hơn 30 cụm rạp ở 19 tỉnh, thành phố trên cả nước… Nhờ vậy mà phim Siêu sao siêu ngố dẫu không thật sự thuyết phục khán giả do mô-típ “một khuôn mặt, hai số phận” đã cũ, vai chính của danh hài Trường Giang và cốt truyện còn nhiều điểm bất hợp lý, kết phim quá sến và đơn giản… nhưng với nhà phát hành CGV, chỉ cần trung bình 15 suất chiếu mỗi ngày trong toàn cụm rạp thuộc hệ thống cũng đã đạt mức 825 suất chiếu cho mỗi ngày trên toàn quốc; chưa kể còn nhờ các nhà phát hành khác chiếu trên các cụm rạp của họ. Trong khi đó, phim 798 Mười do chính Galaxy sản xuất và phát hành được đánh giá có ngôn ngữ điện ảnh tốt, hấp dẫn hơn, nhưng với số cụm rạp ít hơn hẳn thì dù ưu tiên xếp suất chiếu đẹp và nhiều cho “gà nhà” vẫn khó lòng cạnh tranh về doanh số. Về quê ăn Tết của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân do BHD phát hành cũng phải chấp nhận bất lợi kiểu như vậy.

Từ lâu, phim Tết đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Song nhìn chung với các nhà sản xuất dòng phim này vẫn nặng về tính mùa vụ, đầu tư không cao để xoay vòng vốn nhanh, mục tiêu chính là doanh thu chứ không phải là sân chơi nghệ thuật. Điều này cho thấy để mùa phim Tết thật sự có sức sống lâu bền, góp phần giúp điện ảnh trong nước phát triển, các nhà sản xuất cần có những đổi mới trong cả tư duy làm phim cũng như chất lượng nghệ thuật. Bởi khi khán giả yêu cầu cao hơn thì phim dù có ưu thế về thời điểm phát hành, được nâng đỡ, quảng bá rầm rộ thế nào mà chất lượng dở cũng sẽ sớm bị công chúng quay lưng.

 

Theo MỸ HẠNH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm