Cập nhật: 09/03/2018 14:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng ngay cả những đợt tấn công nhẹ của vi-rút như cúm ở người mẹ, thường không cần đi khám bác sĩ, cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của bé.

Tác giả nghiên cứu, Alexandre Bonnin ở trường Y Keck, ĐH Nam California, Mỹ cho biết: trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bị một bệnh nhiễm trùng như cúm, nguy cơ bé bị tâm thần phân liệt sau 15 năm tăng khoảng 3 lần. Ông giải thích, điều đó không có nghĩa, nếu mẹ bị cúm, trẻ sẽ bị tâm thần phân liệt nhưng nguy cơ này sẽ tăng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cách hệ miễn dịch của chuột mang thai (tương đương với mang thai 3 tháng đầu ở người) phản ứng với một hóa chất bắt chước một nhiễm vi-rút giống như bệnh cúm.

Chuột con của những chuột mẹ có hệ miễn dịch phải “vật lộn” chống lại sự tấn công của vi-rút, thậm chí là nhẹ, tăng nguy cơ bị những bất thường hệ thần kinh trung ương. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hàm lượng tryptophan, một axit amin kích hoạt hệ miễn dịch tăng, khiến cho nhau thai sản sinh nhiều serotonin hơn, dẫn tới hàm lượng serotonin cao hơn trong não bào thai. Serotonin rất quan trọng trong sự phát triển não của thai nhi và có thể điều chỉnh cách não thai nhi bắt tín hiệu.

Đáp ứng với hàm lượng serotonin từ nhau thai tăng cao, não của thai nhi ức chế chính nó hình thành các tế bào thần kinh, có lẽ là vì các thụ thể cảm nhận được có quá nhiều serotonin trong đó. Đây có thể là vấn đề, đặc biệt là khi nó khiến phần não trước không phát triển được như bình thường.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Neuroscience.

 

Theo BS Cẩm Tú/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm