Năm 2017, thị trường xăng dầu có 24 lần điều chỉnh giá, trong đó, khoảng cách chênh lệch về giá giữa các đợt tăng, giảm là gần 600 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 1.000 đồng/lít đối với xăng E5 Ron 92 (hiện xăng Ron 95 có mức giá niêm yết 20.180 đồng/lít và xăng E5 Ron 92 là 18.340 đồng/lít). Theo dự báo, giá xăng dầu có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian tới.
Cửa hàng xăng dầu trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa (Hà Nội).
Phụ thuộc nguồn cung thế giới
Theo Bộ Công thương, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu nhóm nhiên liệu, năng lượng trong năm 2017 vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cho nên giá nhóm mặt hàng này chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường thế giới. Năm nay, thị trường xăng dầu được dự đoán sẽ nối tiếp xu hướng tăng năm 2017 do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đà tăng sẽ không mạnh do nguồn cung bổ sung từ dầu đá phiến của Mỹ và xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo thay thế theo định hướng kinh tế xanh. Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2018 sẽ trong khoảng từ 50 đến 55 USD/thùng, giá xăng dầu thành phẩm ở mức từ 66 đến 70 USD/thùng, tăng từ 5% đến 10% so với bình quân năm 2017. Năm 2017, thị trường xăng dầu thế giới cũng chứng kiến sự phục hồi của giá dầu thô khi OPEC và các quốc gia ngoài tổ chức thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác khiến cung - cầu trên thị trường tiến xích lại gần nhau và giá bán được cải thiện hơn. Nếu như đầu năm 2017, giá bán ở mức chung quanh 40 USD/thùng, cuối năm đã tăng lên hơn 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm lên 64 đến 65 USD/thùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới có khả năng khiến lượng cung - cầu sẽ không có sự đột biến so với năm 2017. Ðiều đó khiến giá dầu thô dừng ở mức chung quanh 60 USD/thùng là phù hợp các nước, kể cả các nước xuất khẩu, nhập khẩu và các nước vừa xuất, vừa nhập như Việt Nam. Trong năm 2017, do sự phục hồi của giá dầu thế giới khiến giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng theo. Trong năm 2017, giá xăng dầu được điều chỉnh 24 lần, trong đó có mười lần tăng với tổng cộng 3.506 đồng/lít; chín lần giảm giá với 2.920 đồng/lít và năm lần giữ nguyên giá. Nước ta tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, trong đó nguồn cung trong nước không bảo đảm, phải nhập khẩu nên việc điều chỉnh tăng giảm theo giá thị trường thế giới là điều hoàn toàn hợp lý. Mặt khác, với sự cam kết cắt giảm sản lượng khai thác giữa OPEC và các nước ngoài tổ chức, đặc biệt là LB Nga sẽ khiến nguồn cung giảm, tạo điều kiện thúc đẩy sự phục hồi về giá. Do đó, thị trường xăng dầu chắc chắn sẽ có sự tăng nhẹ trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ cho biết, thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2017 tương đối ổn định, nguồn cung bảo đảm nhu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng. Năm 2017, mức tiêu thụ của Việt Nam ở mức 17 đến 18 triệu tấn. Hiện nay mức độ tăng trưởng, sử dụng xăng dầu của Việt Nam rất thấp, chỉ tăng khoảng 7% so với năm 2016; năm 2018 mức tăng cũng tương tự. Nếu cộng cả mức tiêu thụ xăng dầu ngoài luồng (nhập lậu) thì cũng chỉ tăng vào khoảng 8% so với năm 2017. Ðiều đó cho thấy nhu cầu sử dụng xăng dầu cho sản xuất của chúng ta rất ít, hiện chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như ô-tô, xe máy, vận tải hành khách công cộng,…
Nhiều bất cập trong điều hành
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng, tác động của giá xăng dầu thế giới, năm 2017, thị trường xăng dầu Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện cửa hàng kinh doanh xăng dầu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Cửa hàng xăng dầu IQ 8 của Nhật Bản). Ðây là điểm mới để thị trường xăng dầu Việt Nam hướng tới sự văn minh, cạnh tranh lành mạnh. Cuối năm 2017, chúng ta cũng loại bỏ dần mặt hàng xăng Ron 92 để chính thức từ ngày 1-1-2018 chỉ còn tồn tại hai loại xăng là Ron 95 và E5 Ron 92 trên thị trường. Trước đó, các doanh nghiệp (DN) triển khai hàng loạt dịch vụ mới như bán xăng tự động, thanh toán bằng thẻ; nâng cấp tiêu chuẩn khí thải từ tiêu chuẩn châu Âu (Euro 2) lên Euro 4, Euro 5,… Cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thế nhưng, hiện vẫn tồn tại một số bất cập về quy định, chính sách trong cách thức điều hành xăng dầu như Việt Nam chưa cho phép mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu cho các DN có 100% vốn nước ngoài. Muốn phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu, các DN nước ngoài phải lách luật bằng cách liên doanh, liên kết với DN trong nước và được phép mở các cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm của họ.
Chủ tịch Vinpa Phan Thế Ruệ cho rằng, về cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa tạo điều kiện tốt để đưa thị trường xăng dầu Việt Nam vào thị trường hóa, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Chẳng hạn, Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 84) sau hai năm áp dụng trong thực tế hiện không có một chương, một dòng nào đề cập việc DN nước ngoài được phép thiết lập hệ thống cơ sở bán lẻ tại Việt Nam. Khi xảy ra việc gì sẽ khó xử lý vì không có pháp luật điều chỉnh, chế tài xử lý. Một số quy định trong Nghị định 83 không còn phù hợp làm thiệt hại cho người tiêu dùng và có lợi cho DN xăng dầu. Mới đây, khi tính giá cơ sở lại "bỏ quên" xăng Ron 95, để mặc DN tự điều chỉnh gây bất lợi cho người tiêu dùng. Về dự trữ xăng dầu, theo quy định, DN phải dự trữ trong 30 ngày nhưng xăng dầu biến thiên hằng ngày. Nếu giá xăng mua vào cao, sau đó giảm xuống thấp, yêu cầu DN dự trữ như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN khi không thể "cắt lỗ", thu hồi vốn, tái đầu tư. Tiếp đến, Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên thực tế chỉ có lợi cho những DN kinh doanh lớn, còn DN kinh doanh nhỏ sẽ gặp bất lợi. Bởi mỗi lần trích, xả quỹ chắc chắn tác động đến doanh số, gánh nặng tài chính và lúc đó không còn quỹ để trích,…
Xu thế của thị trường xăng dầu là đa dạng hóa sản phẩm với nhiều đối tượng tham gia. Ðến nay, trên thị trường lưu hành xăng Ron 95, xăng E5 Ron 92. Mục tiêu thị trường xăng dầu Việt Nam phải có tiêu chuẩn mức cao hơn hiện nay, với 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối, song tính cạnh tranh chưa xuất hiện, toàn quốc chỉ có một loại giá. Khi giá thống nhất, các DN cạnh tranh nhau bằng mức chi phí, cứ đẩy chi phí xuống cơ sở làm cho cuộc cạnh tranh không lành mạnh, yếu tố rủi ro ngày càng cao, không ổn định, không đem lại yếu tố tích cực thật sự trong kinh doanh xăng dầu. Chính vì vậy, cần xây dựng được cơ chế quản lý, thanh kiểm tra đồng bộ để giám sát chất lượng, số lượng xăng dầu bán ra nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của DN và của Nhà nước. Ðồng thời, phải sửa đổi Nghị định 83 để tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, rõ ràng, tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam cạnh tranh, phát triển.
Bài và ảnh: QUỲNH CHI
Theo nhandan.com.vn