Các chuyên gia và giới doanh nghiệp cho rằng, thay vì bán trở lại xăng RON92 cần tìm giải pháp đẩy mạnh lượng tiêu thụ xăng E5RON92.
Trước thực tế sản lượng tiêu thụ xăng E5RON92 đạt tỷ lệ khá thấp, Công ty TNHH MTV dầu khí TP HCM (Saigon Petro) vừa qua đã có Công văn gửi Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đề nghị cho bán trở lại đối với loại xăng khoáng truyền thống RON92. Doanh nghiệp này cũng đồng thời đề xuất một số giải pháp về thuế, phí nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5RON92 thay vì gia tăng sử dụng loại xăng khoáng RON95 như hiện nay.
Xăng E5RON92 tỷ trọng tiêu thụ dưới 30%
Theo công văn của Saigon Petro, sản lượng xăng E5RON92 tiêu thụ thực tế trong 2 tháng đầu năm 2018 tuy có tăng so với bình quân năm 2017 nhưng tỷ trọng chiếm rất thấp (chưa đến 30% so với tổng lượng xăng tiêu thụ).
Xăng E5RON92 thiếu hấp dẫn khiến tỷ trọng tiêu thụ chỉ đạt dưới 30% tổng lượng xăng bán tại thị trường Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Saigon Petro cho rằng, qua tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu có hệ thống phối trộn xăng E5 lớn, tỷ trọng bán xăng E5 cũng tương tự (khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ), còn lại là xăng RON95 tỷ trọng khoảng trên 70%, trong khi xăng RON92 trước đây chiếm hơn 65%.
“Saigon Petro nhận thấy tình hình tiêu thụ xăng E5RON92 là rất đáng báo động, cần xem xét một cách nghiêm túc trên bình diện cả nước. Cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92 xuống thêm 500 đồng/lít hoặc không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay. Cách làm này sẽ tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5RON92 và RON95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít”, ông Truyền đề xuất.
Đánh giá cao doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh xăng dầu như Saigon Petro đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế thị trường xăng dầu, song chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long không đồng tình với quan điểm đưa mặt hàng xăng khoáng RON 92 trở lại thị trường.
TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm, sử dụng xăng E5RON92 là xu thế và cam kết chung trong bảo vệ môi trường. Việc chuyển đổi hoàn toàn xăng E5RON92 mới chỉ thực hiện qua 3 tháng qua, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện nên chưa khuyến khích khách hàng sử dụng xăng E5, doanh nghiệp muốn đưa xăng RON92 trở lại thị trường là bất hợp lý.
“Cần xem xét lại thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92 cũng như một số biện pháp khác để tăng lượng tiêu thụ. Có thể khuyến khích các doanh nghiệp giảm bớt lợi nhuận để hạ giá bán từ đó thu hút nhiều hơn lượng tiêu thụ xăng E5RON92. Đồng thời phải xem xét lại giá nguyên liệu đầu vào của xăng E5, khi giá đầu vào giảm thì giá thành xăng E5RON95 mới có thể giảm”, TS. Ngô Trí Long nêu ý kiến.
Tăng tiêu thụ bằng giá bán và chất lượng
Đồng quan điểm với các chuyên gia khi cho rằng, chủ trương sử dụng xăng E5 cũng như loại xăng khoáng có lượng khí thải độc hại thấp vì mục đích môi trường, song, ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch, TGĐ Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh (chủ hãng Taxi Nguyên Minh), Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng, việc kiến nghị đưa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng khoáng RON95 lên kịch trần là 4.000 đồng/lít (thay vì mức 3.000 đồng/lít như hiện nay) là chưa phù hợp.
Bởi hiện tại, do người tiêu dùng đang chưa yên tâm với chất lượng xăng E5 nên đã lựa chọn RON95 trở thành mặt hàng tiêu thụ phổ biến, nếu tăng thuế lên thêm 1.000 đồng/lít cũng đồng nghĩa tăng giá xăng RON95 thêm 1.000 đồng/lít - tạo thêm áp lực lên người tiêu dùng xăng dầu trực tiếp, tạo áp lực tăng giá cước vận tải, kéo theo áp lực tăng giá các loại hàng hóa trên thị trường.
“Người sử dụng có xu hướng sử dụng RON95 dù nó đắt hơn nhưng chất lượng tốt hơn. Trước khi buộc sử dụng xăng E5 cần phải đảm bảo chất lượng, nếu chưa đảm bảo cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp, một là khôi phục trở lại xăng RON92, hoặc khoảng cách giá giữa hai loại xăng ở mức hợp lý để người tiêu dùng có thể lựa chọn”, ông Minh đề xuất.
Theo các chuyên gia, khi xóa bỏ hoàn toàn mặt hàng xăng khoáng RON92 để thay thế bằng xăng E5 nhưng lại không bắt buộc các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải kinh doanh xăng E5, được lựa chọn bán E5 hoặc RON95 là chưa phù hợp, thậm chí còn mâu thuẫn với chính chủ trương khuyến khích tiêu dùng xăng E5.
Trước đề xuất của Saigon Petro, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ thực tế kinh doanh, doanh nghiệp có quyền đề nghị tháo gỡ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại xăng ít ảnh hưởng đến môi trường như các nước đang sử dụng hiện nay là một hướng đi đúng.
Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5RON92, theo ông Thỏa có thể xem xét chính sách thuế của Nhà nước. Ngoài ra, phải chứng minh được chất lượng của xăng E5RON92 là an toàn đối với các loại phương tiện sử dụng.
“Để tăng sản lượng tiêu thụ xăng E5RON92 cần phải chú ý 3 vấn đề: Một là nguồn gốc sản xuất, thứ hai là chính sách về tài chính và thứ 3 là chính sách với người tiêu dùng. Không chỉ tập trung vào việc giảm thuế mà phải đi từ gốc sản xuất ethanol để làm sao giá thành ethanol được duy trì mức hợp lý. Nếu cứ như hiện nay, chỉ có 1 đơn vị sản xuất athanol nên giá bị độc quyền là bất ổn. Ngoài ra cần phải có yếu cầu bắt buộc tất cả các cây xăng phải có song hành bán xăng E5RON92 và xăng RON95”, ông Thỏa nêu những vướng mắc trong tiêu thụ xăng E5RON92 hiện nay.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN