Cập nhật: 16/03/2018 10:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ung thư bàng quang khởi phát từ bàng quang. Người lớn tuổi thường mắc ung thư bàng quang tuy rằng bệnh vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

 

Đau vùng hông thắt lưng có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

Độ tuổi: Nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng lên khi người ta già đi. Những người dưới 40 tuổi hiếm khi mắc căn bệnh này.

Thuốc lá: Sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn người không hút thuốc 2-3 lần. Người hút thuốc lá tẩu hoặc xì gà còn có nguy cơ cao hơn.

Nghề nghiệp: Một số công nhân có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn do tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư ở nơi làm việc. Công nhân trong ngành cao su, hóa chất và thuộc da có nguy cơ cao. Nhân viên làm đầu, thợ máy, công nhân kim khí, thợ in, họa sĩ, công nhân ngành dệt may và tài xế lái xe tải cũng có nguy cơ cao.

Nhiễm khuẩn: Bị nhiễm một số loại kí sinh trùng nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Những loại kí sinh trùng này thường phổ biến ở những vùng nhiệt đới.

Chế độ điều trị có sử dụng cyclophosphamid hoặc arsenic: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị ung thư và một số tình trạng bệnh khác. Chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ở nữ giới 2-3 lần. Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất là ở người châu Á.

Tiền sử gia đình: Những người có thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang có vẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những thay đổi trong một số gene nhất định có thể gây tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Đừng bỏ qua dấu hiệu ung thư bàng quang

Những triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang bao gồm:

Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu) - nước tiểu có thể có màu vàng sậm, màu đỏ tươi hay màu nước ngọt coca cola hoặc nước tiểu có thể bình thường nhưng kiểm tra dưới kính hiển vi thấy có hồng cầu trong nước tiểu.

Đi tiểu nhiều lần hoặc đái rắt; Đau khi đi tiểu; Nhiễm khuẩn đường tiểu tái diễn; Đau bụng; Đau hông lưng.

Những triệu chứng này không phải là những dấu hiệu chắc chắn của ung thư bàng quang. Tình trạng nhiễm khuẩn, u lành tính, sỏi bàng quang hoặc các tình trạng bệnh khác cũng có thể gây ra những triệu chứng này. Tuy nhiên, tất cả những người có các triệu chứng này nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị các vấn đề bất thường một cách sớm nhất.

Điều trị ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Phẫu thuật:

Đây là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u.

Thủ thuật cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo: Bác sĩ có thể điều trị ung thư bàng quang sớm (nông) bằng thủ thuật cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo (TUR). Bệnh nhân có thể cần nằm viện và gây mê. Sau TUR, bệnh nhân cũng có thể sử dụng hóa chất hoặc liệu pháp sinh học.

Thủ thuật cắt bỏ bàng quang triệt để: Đối với ung thư bàng quang thể xâm lấn, loại phẫu thuật thường được sử dụng nhất là cắt bỏ bàng quang triệt để. Đó là cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư. Ở nam giới, các cơ quan lân cận được cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.

Thủ thuật cắt bỏ bàng quang bán phần: Lựa chọn loại phẫu thuật này khi bệnh nhân có ung thư cấp độ thấp đã xâm lấn vào thành bàng quang nhưng mới chỉ khu trú ở một vùng.

Điều trị bằng tia xạ:

Một số lượng nhỏ bệnh nhân có thể được chiếu xạ trước khi phẫu thuật để làm co khối u. Một số bệnh nhân khác có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại trong khu vực. Đôi khi bệnh nhân có thể được điều trị bằng tia phóng xạ khi không còn khả năng phẫu thuật. Có hai cách chiếu xạ để điều trị ung thư bàng quang: Chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong.

Hóa trị liệu:

Hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.

Liệu pháp sinh học:

Liệu pháp sinh học sử dụng khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch) để chống lại ung thư. Liệu pháp sinh học thường được sử dụng sau khi cắt bỏ ung thư qua niệu đạo đối với ung thư bàng quang nông. Phương pháp này giúp ngăn ngừa ung thư tái phát.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phần lớn ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi ung thư còn có thể điều trị được. Tuy nhiên, ngay cả đối với giai đoạn đầu, ung thư bàng quang vẫn có khả năng tái phát rất cao. Vì thế, những người sống sót sau ung thư bàng quang nên được thử nghiệm theo dõi để phát hiện ung thư tái phát nhiều năm sau khi chấm dứt điều trị.

BS. Lê Sĩ Trung

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm