Cập nhật: 16/03/2018 10:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, dù môi trường kinh doanh của nước ta gần đây đã tốt hơn nhưng cần phải làm quyết liệt, nỗ lực hơn nữa.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở với tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam”. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội.

Đổi mới nhân lực

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, cho dù trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 trên thế giới. Điều đó thể hiện qua con số thu nhập bình quân đầu người thấp, ở vào vị trí thứ 125 của thế giới. Bên cạnh đó, dù được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về thành tích như phát triển mục tiêu thiên niên kỷ, quốc gia tích cực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhưng chỉ số quan trọng về kinh tế của Việt Nam đang rất thấp.

"Chỉ số phát triển nguồn nhân lực của chúng ta đứng đâu đó ở 120 – 115 trên thế giới. Năng suất lao động cũng không lạc quan, thậm chí báo cáo gần đây còn thấp hơn cả Lào", Phó Thủ tướng lưu ý. Năng suất lao động là điều Phó Thủ tướng trăn trở, bởi đó cũng là một trong những điều mà người dân, Chính phủ mong muốn vì nó thể hiện nền kinh tế đang phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ngoài các lý thuyết về thay đổi công nghệ, tập trung đổi mới nhân lực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cơ cấu lại nền kinh tế, nguồn lao động. Bởi Việt Nam hiện có hơn 40% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trong khi ở các nước phát triển, cơ cấu này chỉ chiếm 5 - 10%. Một trong hai hướng chính để dịch chuyển cơ cấu là phát triển thật nhiều doanh nghiệp, đó chính là cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2014 - 2017, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả này được phản ánh cụ thể qua vị trí xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Moody’s và Fitch nâng xếp hạng từ ổn định lên tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP trong 4 năm qua cho thấy, vẫn còn có sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

Góp ý tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt và theo dõi sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Trong đó, ngoài việc duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, cần phải tập trung cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước những ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: "Suy cho cùng, đây là một vòng tròn". Dù môi trường kinh doanh gần đây đã tốt hơn nhưng cần phải làm quyết liệt, nỗ lực hơn nữa. Ngoài yếu tố “trên nóng dưới lạnh", cần lưu ý về tình trạng "nóng ấm không đều". Bởi trước đây chỉ tập trung vào một số chỉ tiêu chính nên cũng chỉ một số bộ ngành liên quan có sức ép để… “nóng”.

Trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh cần phải "nóng" đều. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ năm 2017 cho thấy phải kết hợp 2 mũi: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ điểm đầu việc, tiến độ; Tổ chức các cuộc đối thoại để các bên được trình bày quan điểm. "Không tính kết quả khi chỉ mới có văn bản trình, kết quả phải là khi xem nó tháo gỡ được vướng mắc hay chưa", ông nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tự thân Việt Nam phải nỗ lực trong việc cải thiện vì chính bản thân, không phải vì các đánh giá của Tổ chức quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ luôn chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp vì mục tiêu sớm có được 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian gần nhất./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm