Cập nhật: 16/03/2018 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 14/3, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Đà Nẵng phấn đầu trở thành thiên đường nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nghị quyết 08-NQ/TW nêu rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 sẽ thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa, nhưng đến nay Việt Nam đã đạt xấp xỉ con số nói trên, mức đóng góp GDP của du lịch ngày càng tăng, tống số lao động tham gia hoạt động du lịch, doanh thu du lịch cũng đã có những bước nhảy vọt.

Riêng đối với Đà Nẵng, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trong 10 năm trở lại đây thành phố này đã viết nên một câu chuyện về phát triển du lịch mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước ngưỡng mộ.

Đó là do Đà Nẵng đã có một chiến lược phát triển phù hợp dựa trên những lợi thế cạnh tranh, dư địa, cùng với nguồn tài nguyên đặc biệt, tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch vừa nổi bật, khác biệt, hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp trong cả nước tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng. Đà Nẵng đã có chiến lược về xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh thành phố đáng sống, điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cần phải viết một câu chuyện mới về du lịch, vì sự phát triển nào cũng tới giới hạn. Nếu không có sự đổi mới, điều chỉnh để đáp ứng kịp xu hướng mới và khắc phục những thách thức, hạn chế, sẽ dẫn tới sẽ giảm sút năng lực cạnh tranh - ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Nghị quyết số 08 mang tính đột phá trong đẩy mạnh phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra sức bật cho du lịch thì Đà Nẵng cần tập trung triển khai các biện pháp thiết thực, gia tăng giá trị du lịch trên địa bàn. Tiềm năng du lịch Đà Nẵng là rất lớn, nên Thành phố cần bám sát tinh thần của Nghị quyết, từ đó thống nhất trong nhận thức, đề ra định hướng hành động với quy mô lớn hơn và mang tính bền vững.

Trong quá trình phát triển cần có sự linh hoạt, mềm dẻo; cần gia tăng sản phẩm du lịch giải trí, sáng tạo, bổ sung sản phẩm du lịch chất lượng cao; tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Với thế mạnh của mình, Đà Nẵng có thể phát triển thành trung tâm du lịch hội nghị, hội thảo hàng đầu của đất nước.

Trong kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 08, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển cao cấp, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đầu tư du lịch theo chiều sâu; xây dựng Đà Nẵng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, du lịch sinh thái, văn hoá; phát triển du lịch bền vững gắn liền với thiên nhiên; tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực có kỹ năng; phát huy liên kết vùng với Quảng Nam, Huế, vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Đẩy mạnh phát triển các thị trường Đông Bắc Á, duy trì thị trường khách Đông Nam Á, ASEAN, Bắc Mỹ, Tây Âu, mở rộng thị trường Australia, Ấn Độ, Nga. Chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng và du lịch MICE.

Phấn đấu đến năm 2020 đón từ 8,9-9,35 triệu lượt khách. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 36.400 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch và GRDP thành phố đạt khoảng 25%.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, thị trường du lịch rộng mở, sản phẩm du lịch chất lượng cao thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Lưu Hương

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm