Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định không leo thang cuộc chiến ngoại giao giữa Anh và Nga, sau khi trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và gia đình họ, với lý do cáo buộc họ là những "điệp viên" của Nga tại Anh.
Các nhà ngoại giao Nga và gia đình rời Đại sứ quán Nga ở London, Anh ngày 20/3. (Nguồn:AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại London ngày 21/3, trong một tuyên bố mới nhất, Thủ tướng May cho biết London không đưa thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva mà sẽ tập trung vào việc theo dõi chặt những người thân cận, bạn bè của Tổng thống Vladimir Putin tại Anh và đưa ra những lệnh kiểm tra an ninh mới đối với các máy bay tư nhân.
Giới quan sát nhận định Thủ tướng May không còn nhiều hy vọng vào việc phương Tây gia tăng trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo và thảo luận về khả năng hội đàm với nhà lãnh đạo Nga.
Theo Nhà Trắng, trong khi điện đàm, ông Trump đã không hề nhắc đến vụ tấn công chất độc thần kinh tại Salisbury.
Hiện Anh đang hy vọng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thể hiện sự đoàn kết của mình trong vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 22/3 tại Brussels (Bỉ) cho dù London sẽ không thúc ép để Brussels sẽ thông qua những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva vì hiện nay trong EU có những ý kiến trái chiều trong xử lý mối quan hệ với Nga.
Không chỉ Tổng thống Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng gửi thư chúc mừng ông Putin và chúc ông sẽ thành công trên cương vị này.
Nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định ông sẽ là "đối tác" với Nga để duy trì "an ninh cho châu lục của chúng ta."
Những căng thẳng giữa Anh và Nga hiện nay liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông là Yulia tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh. Hiện hai người này đang trong tình trạng nguy kịch và đang được điều trị tích cực trong bệnh viện.
Ông Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.
6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.
Phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu tới vụ việc ở Salisbury, đồng thời yêu cầu Anh phải đưa ra bằng chứng hoặc xin lỗi Moskva.
Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov ngày 18/3 khẳng định Nga không có bất kỳ loại chất độc thần kinh nào trong kho vũ khí quân sự của mình, cũng như không có bất kỳ “lượng tích trữ nào.”
Ông cũng loại trừ khả năng bất kỳ loại vũ khí hóa học nào bị “rò rỉ khỏi nước Nga sau khi Liên Xô tan rã.”
Điện Kremlin cho rằng vụ đầu độc ông Skripal và con gái là âm mưu hòng làm xấu hình ảnh của nước Nga trước cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Phía Nga cũng không loại trừ khả năng London "đạo diễn" vụ việc này.
Cuộc tranh cãi Nga-Anh liên quan đến vụ việc trên đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước "rơi tự do," với việc Thủ tướng Anh May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và siết chặt kiểm soát đường biên giới.
Để đáp trả, Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/anh-khong-dua-them-cac-bien-phap-trung-phat-moi-nham-vao-nga/493518.vnp