Đau cột sống là chứng bệnh thường gặp ở cả “nam, phụ, lão, ấu”. Cột sống là chỉ phần xương chạy từ phần tiếp giáp xương sọ đến xương cùng cụt. Khi cột sống bị tổn thương sẽ có rất nhiều biểu hiện khác nhau tùy từng đoạn cột sống bị bệnh.
Đau cột sống là chứng bệnh thường gặp ở cả “nam, phụ, lão, ấu”. Cột sống là chỉ phần xương chạy từ phần tiếp giáp xương sọ đến xương cùng cụt. Khi cột sống bị tổn thương sẽ có rất nhiều biểu hiện khác nhau tùy từng đoạn cột sống bị bệnh. Có thể rối loạn về cảm giác, vận động của cơ bắp, hay rối loạn hoạt động của các cơ quan bên trong như thay đổi nhịp tim, huyết áp, đầy trướng bụng...
Cây phòng phong.
Nói đến cột sống, các thầy thuốc Đông y thường liên hệ tới tạng thận. Thận tàng tinh, sinh tinh, sinh tủy. Thận chủ xương, phủ của thận ở vùng thắt lưng. Các nguyên nhân gây tổn thương thận thường gặp là:
Cha mẹ yếu sinh ra con yếu, có thể có dị tật ở xương sống. Khi còn nhỏ chế độ dinh dưỡng thiếu hay sai sẽ làm còi xương suy dinh dưỡng. Khi ngồi học khoảng cách bàn ghế không hợp lý, trẻ ngồi vẹo, lệch người làm biến dạng cột sống. Lớn lên trong lao động phải khiêng xách nặng kéo dài, hay lao động nơi chật hẹp, gò bó ẩm thấp, gây ra cột sống bị chèn ép. Do ăn uống sinh hoạt không hợp lý, quá ham mê tửu sắc (đa dâm hại thận).
Nguyên nhân bên trong gây viêm dính cột sống, lao, ung thư. Chấn thương có thể gây xẹp cột sống, hay đĩa đệm giữa hai đốt bật ra ngoài. Nơi hay bị trật là vùng thắt lưng.
Vậy cách phòng chống bệnh cột sống phải được chú ý từ lúc còn ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tới khi già. Hằng ngày chú ý tư thế đứng, ngồi sao cho ngay ngắn, cho xương sống không quá bị cúi, gập, cong vẹo kéo dài. Nếu phải lao động ở tư thế bất lợi thì nên xen kẽ thời gian nghỉ, để cột sống được trở lại trạng thái cân bằng.
Khi đã bị bệnh nghĩa là có biểu hiện đau vùng cột sống (ở cổ, hay ở thắt lưng...) càng cần chú ý phòng bệnh, để bệnh bớt tăng lên. Không chạy nhảy, không khiêng xách nặng, lệch tư thế, cần sinh hoạt điều độ.
Đông y có hai cách chữa. Một là hướng dẫn người bệnh một số động tác luyện tập để nới giãn cột sống, có thể bơi hằng ngày, hoặc xoa bóp, châm cứu. Hai là dùng thuốc tác dụng bên ngoài hay thuốc uống bên trong.
Thuốc dùng ngoài như rang lá ngải, lá cúc tần, lá lốt, dây đau xương... thật ấm rồi để đôi bàn chân vào đó, làm ấm nóng đôi bàn chân; Cũng có thể rang các lá trên, rải trên giường rồi nằm đè lên để vùng cột sống đau vào chỗ lá rang nóng đó (chú ý không gây bỏng). Sau 20 phút lá nguội có thể rang lại rồi làm tiếp như vậy, có người cho thêm ít muối vào để tăng thời gian giữ nhiệt.
Một số bài thuốc cổ phương chữa chứng đau cột sống
Bài Bạch hổ thang gia quế chi (Kim quỹ): Thạch cao 24g, quế chi 12g, cam thảo nướng 8g, tri mẫu 20g, ngạch mễ 40g. Sắc uống ngày một thang.
Nấu cháo khi gạo nhừ chắt nước uống. Tác dụng: chữa đốt xương đau nhức, buồn nôn; chữa phong thấp, viêm xương khớp, mùa hè sốt cao khát nước.
Cây tần cửu (tần giao).
Bài Cát căn ý dĩ nhân thang (Hoàng Hán y học): Ma hoàng 8g, ý dĩ 16g, quế chi 12g, cát căn 16g, thược dược 12g, đại táo 16g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa bệnh nhân sốt, đau cứng lưng gáy, khó quay, cúi, các khớp sưng đau.
Bài Độc hoạt ký sinh thang (Bút hoa y kinh): Cẩu tích 20g, phòng phong 12g, tế tân 8g, ngưu tất 12g, tần giao 10g, đương quy 12g, tang ký sinh 12g, độc hoạt 10g, quế tâm 8g, chích thảo 6g, phục linh 10g, uy linh tiên 12g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa phụ nữ sau sinh bị phong hàn gây đau lưng.
Bài Hoàng kỳ phòng kỷ thang (Kim quỹ yếu lược): Bạch truật 12g, hoàng kỳ 16g, cam thảo 6g, phòng kỷ 12g, sinh khương 6g, đại táo 16g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa phong thấp, đau nhức các khớp, phù thũng, mồ hôi tự ra, sợ gió.
Bài Hổ cốt độc hoạt thang: Đỗ trọng 16g, long cốt 12g, tam thất 8g, độc hoạt 10g, lộc giác 8g, tục đoạn 12g, hổ cốt 6g, sinh địa 12g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: thông huyết mạch tiêu sưng, đau xương khớp đốt sống cấp.
Bài Khương hoạt đương quy thang: Đào nhân 8g, hồng hoa 8g, quế chi 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 10g, sài hồ 10g, đương quy 12g, phòng phong 12g, xuyên khung 12g, hoàng bá 10g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa đau lưng, thắt lưng.
Bài Khương hoạt nhũ hương thang: Đan bì 8g, xuyên khung 12g, hồng hoa 10g, khương hoạt 8g, trần bì 10g, độc hoạt 10g, kinh giới 12g, phòng phong 12g, xích thược 12g, đào nhân 8g, đương quy 12g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa đau các khớp, đau toàn thân.
Bài Phòng phong thang: Cam thảo 6g, hoàng cầm 12g, quế chi 12g, cát căn 16g, khương hoạt 10g, tần giao 10g, đương quy 12g, phòng phong 10g, xích linh 10g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: chữa đau nhiều khớp, khớp này đỡ lại chuyển khớp khác (hành tý).
Bài thuốc chữa bệnh thận thường dùng là bài Bát vị quế phụ gia vị: Thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 8g, đan bì 8g, trạch tả 6g, nhục quế 8g, phụ tử chế 8g, bạch linh 6g, xuyên quy 12g, bạch thược 12g, đỗ trọng 16g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng: bổ can thận, chữa đau lưng, đau xương khớp. Dùng tốt cho người già, nếu còn trẻ nên bỏ nhục quế, phụ tử, thêm kê huyết đằng, thổ phục...
Việc dùng thuốc muốn an toàn, hiệu quả nên hỏi ý kiến thầy thuốc chuyên khoa Đông y và xin nhớ: “Phòng bệnh, hơn chữa bệnh”.
PGS.TS. Dương Trọng Hiếu
Theo suckhoedoisong.vn