Mực không chỉ là món ăn khoái khẩu mà còn là vị thuốc quý. Mai mực được làm thuốc trong Đông y với tên gọi ô tặc cốt. Thịt mực thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon, cũng có rất nhiều tác dụng quý, đặc biệt với các bệnh lý sản phụ khoa.
Súp mực.
Thịt mực chứa protid, lipid, canxi, phospho, sắt, vitamin B1, B2, B6, PP. Có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống loãng xương, suy nhược thần kinh và thể lực, ăn không ngon miệng. Theo Đông y, thịt mực vị ngọt mặn, tính bình; vào kinh can, thận, tỳ. Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, kiện tỳ, lợi thủy, chỉ huyết, ôn kinh mạch. Dùng cho các trường hợp phù nề, phong thấp (thấp tý), trĩ lậu, bế kinh, thống kinh, huyết trắng, động thai dọa sẩy. Ngày dùng 2-4 con bằng cách nấu, hầm, quay, nướng, chiên, xào. Sau đây là một số món ăn thuốc từ mực tốt cho chị em:
Gà hầm cá mực: gà mái tơ 1 con, mực 2 con. Gà làm sạch, chặt miếng; mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; thêm gia vị hầm nhừ. Dùng cho phụ nữ, cơ thể suy nhược, khí hư huyết hư, sản phụ ít sữa, tắc sữa.
Mực hầm đương quy: mực 2-3 con, quy thân 30g. Mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; quy rửa sạch, thái lát mỏng. Nấu nhừ. Dùng cho phụ nữ huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt ít, không đều.
Canh mực thịt heo: mực 2 con, thịt heo nạc 100g, tôm nõn 100g, củ mài 30g, hạt sen bỏ tâm 30g. Mực ngâm mềm làm sạch thái lát, thịt heo thái miếng, tôm nõn ngâm rửa, thêm gia vị và nước; nấu nhừ cùng củ mài, hạt sen. Dùng cho các trường hợp mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, ngủ mê.
Cá mực hầm bí đao, đậu đỏ: cá mực 2-3 con, bí đao 300g, đậu đỏ nhỏ hạt 100g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; bí đao gọt bỏ vỏ mỏng và ruột, cho gia vị nhưng không cho muối mắm, hầm chín nhừ, cho ăn liên tục đợt 3-5 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm thận cấp, phù nề, cổ trướng xơ gan, ứ tắc sữa.
Cá mực hầm đào nhân: cá mực 2 con, đào nhân 15g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát, thêm gia vị nấu nhừ, ăn liên tục đợt 3-5 ngày. Dùng cho các trường hợp bế kinh, thống kinh.
Kiêng kỵ: Người âm hư nhiệt nhiều hạn chế dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang
Theo suckhoedoisong.vn