Xuân năm nay Hải Vân Quan được khoác lên mình chiếc áo mới. Chiếc áo của tinh thần đoàn kết, quyết tâm của 2 địa phương Thừa Thiên Huế - TP. Đà Nẵng để đưa vùng đất có vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ; một công trình kiến trúc độc đáo trở về đúng như tên gọi vốn có “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Hải Vân Quan là một điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích
Gạch nối quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam
Toạ lạc trên đỉnh Hải Vân với núi rừng trùng điệp, Hải Vân Quan thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).
Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc- Nam có từ thời Lê. Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng, tu sửa Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế và giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng. Các vết tích còn lại của Hải Vân Quan minh chứng đây là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự, là một trong những ải hùng quan hoành tráng bậc nhất ở Việt Nam.
Mặc dù hầm Hải Vân đã đi vào hoạt động từ 12 năm trước nhưng Hải Vân Quan vẫn là điểm dừng chân yêu thích của rất nhiều người, ước tính mỗi năm có trên 300 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, thưởng lãm vì sự hấp dẫn riêng của nó.
Đứng ở Hải Vân Quan có độ cao 500 m, du khách có thể chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ của những dãy núi xanh trùng điệp phủ sương mờ, mặt biển xanh biếc rộng bao la... Từ đỉnh đèo nhìn về phía Nam, sẽ thấy TP. Đà Nẵng uốn lượn dọc bờ biển xanh, hướng mắt về phía Bắc sẽ thấy vịnh Lăng Cô yên bình, lơ lửng trong mây.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Đặng Thị Bích Liên cho biết, từ khi cha ông ta mở cõi vào phía Nam thì Hải Vân Quan thực sự trở thành một gạch nối hết sức quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Công trình này chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, vì vậy 2 địa phương cần chóng bắt tay vào công việc trùng tu, bảo vệ để phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, là nơi lý tưởng để thu hút du khách.
Huế - Đà Nẵng chung tay bảo tồn, phát triển
Nhiều năm đi qua, cụm di tích Hải Vân Quan, công trình phân chia địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đã xuống cấp nghiêm trọng bởi sự bào mòn của thời gian và chiến tranh. Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm đúng mức.
Việc phối hợp làm hồ sơ trình Bộ VHTT&DL xin xếp hạng Di tích cấp quốc gia thể hiện trách nhiệm của 2 địa phương đối với một di sản quan trọng của tiền nhân để lại; là bước ngoặt quan trọng đưa công trình này trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong ngoài nước.
Sau khi Hải Vân Quan được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (14/4/2017), Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ về phối hợp để quản lý di tích, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT TP. Đà Nẵng cho biết: Trải qua thời gian, 2 cuộc chiến tranh, nên nguyên trạng Hải Vân quan không còn. Có nhiều công trình và lô cốt chồng lên di tích, nên về lâu dài chúng tôi phải tìm mọi cách trả lại nguyên trạng.
Dự án 2 địa phương tiến hành bảo đảm 2 mục đích, phục hồi giá trị gốc và hoàn chỉnh để trở thành điểm đến tham quan du lịch hướng đến du lịch tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho tầng lớp trẻ.
Từ khi được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, 2 địa phương đã tiến hành công tác khoanh vùng bảo vệ; lập tổ công tác liên ngành 2 địa phương phối hợp quản lý; tiến hành khảo cổ học, tìm chân móng công trình.
Dự kiến, vào mùa hè 2018 sẽ tiến hành triển khai tu bổ, phục dựng di tích, chỉnh trang các hạng mục công trình trọng điểm, cấp thiết trước.
Theo ông Hùng, hiện nay, tiến độ thực hiện có phần hơi chậm bởi đây là một di tích thuộc 2 địa phương quản lý nên khi làm bất cứ một việc gì, chúng tôi cũng cần có sự thống nhất chung của 2 địa phương mới có thể bắt tay làm.
Dù có một chút khó khăn trở ngại, tuy nhiên chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của Bộ VHTT&DL và sự đồng lòng của chính quyền 2 địa phương, đó chính là động lực để chúng tôi khẩn trương nghiên cứu, trùng tu, phục dựng nguyên trạng Hải Vân Quan, đưa "tài sản" văn hóa chung của 2 địa phương trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Và mùa xuân đang đến, năm nay Hải Vân Quan được được khoác lên mình chiếc áo mới. Chiếc áo của lòng đoàn kết, quyết tâm của 2 địa phương để biến nơi đây trở thành một địa điểm mang vẻ đẹp của núi non kỳ vĩ, một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đúng như tên gọi vốn có “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Lưu Hương
Theo chinhphu.vn