Cập nhật: 28/03/2018 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu như quê hương Quan họ Bắc Ninh có nón quai thao, nón bài thơ là đặc sản của xứ Huế thì người dân Bình Định tự hào với chiếc nón ngựa Phú Gia. 

 

Tại tỉnh Bình Định hiện có rất nhiều làng nghề nón có tên tuổi như làng nón lá Thuận Hạnh (huyện Tây Sơn), làng nón Thuận Đức, làng nón Tân Đức, làng nón Châu Thành, làng nón Phú Thành (huyện An Nhơn), làng nón Kiều An, làng nón Kiều Huyên (huyện Phù Cát)… Nhưng chỉ có làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát là một trong 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch. Nghề nón ngựa đã có từ hơn 300 năm trước, đến nay vẫn được duy trì, phát triển. 

Để làm ra một chiếc nón ngựa phải  trải qua 10 công đoạn chính và 4 công đoạn phụ, rất tỉ mỉ và công phu. Một chiếc nón ngựa để thành hình cần có 3 loại nguyên liệu chính gồm: cây giang để làm sườn, lá cọ (kè) dùng làm lá lợp nón và rễ dứa (thơm) để lấy chỉ. Được thiên nhiên ưu đãi nên cả các nguyên liệu này đều có sẵn ở Bình Định. Nguyên liệu phụ còn có chỉ thêu, cước lớn, cước nhỏ... mua ngoài thị trường. Ngoài ra, để trang trí cho chiếc nón, các nghệ nhân thường thêu họa tiết như hoa, lá, chim công hay long, lân, quy, phụng, chim trĩ... Chóp nón thường để trần, trên đỉnh có chùm chỉ ngũ sắc. Những chiếc nón đặc biệt sẽ có chóp hình quả trám sắt nhọn, được làm từ đồng hoặc bạc với họa tiết chạm trổ công phu. Nón ngựa ở làng Phú Gia có giá dao động 50 – 100 ngàn đồng một chiếc, tùy vào chất lượng. Những chiếc làm theo nguyên mẫu truyền thống theo yêu cầu của khách hàng có giá hơn 400.000 đồng mỗi chiếc. Trước kia, chiếc nón ngựa có chụp bạc có thể sử dụng 5 - 10 năm, còn nón thông thường có thể sử dụng từ 1 - 2 năm mới phải thay.

Nón ngựa Bình Định không chỉ có giá trị về mỹ thuật, là di sản văn hóa mà còn là một trong những sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục Bình Định, nhất là đối với cô dâu trong ngày cưới. Chiếc nón không đơn giản chỉ là một vật đội đầu che nắng, che mưa mà còn là sản phẩm kết tinh của tính chăm chỉ, sáng tạo, sự khéo léo của người thợ và thể hiện trình độ văn hóa của vùng đất đã sản sinh ra nó. Rất nhiều du khách, đặc biệt là phụ nữ nước ngoài đã tìm mua nón ngựa Phú Gia để làm quà lưu niệm và sử dụng. Vì vậy, chiếc nón ngựa theo chân khách du lịch như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đồng thời cũng giúp người dân địa phương xây dựng thương hiệu truyền thống quê hương và làm giàu cho người dân địa phương.

ST

Tệp đính kèm