Ngày 29/3, tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Festival và du lịch Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết tỉnh đang hình thành thêm một số sản phẩm du lịch mới, nhất là những sản phẩm du lịch về đêm.
Thắp sáng Kỳ Đài và bắn súng thần công phục vụ du khách tại Đại nội Huế - Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, thời gian vừa qua, khi đến Huế, ngoài các chương trình tour về di sản, khám phá đầm phá hay du lịch cộng đồng, nhiều du khách đã được trải nghiệm và đánh giá cao một số sản phẩm, điểm nhấn du lịch về đêm như: Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Phố đi bộ cuối tuần, Mở cửa Đại Nội về đêm, Show áo dài Huế.
Tuy nhiên, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế thẳng thắn nhìn nhận, vẫn cần phải củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có và phải triển khai thêm những sản phẩm, điểm nhấn đặc trưng khác biệt thì mới cạnh tranh được với các điểm đến để gia tăng cả lượng du khách đến và thời gian lưu trú. Do vậy, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và có những hành động đột phá để hình thành thêm một số sản phẩm du lịch mới, nhất là những sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm.
Mới nhất và đang được nhiều người quan tâm là hệ thống chiếu sáng Kỳ Đài hằng đêm, tái hiện cảnh khai hỏa súng thần công định kỳ 2 lần/tuần và vào các ngày lễ lớn của đất nước cũng như địa phương do Vietravel tài trợ.
Đặc biệt, chương trình “Văn hiến kinh kỳ”, phiên bản nâng cấp của hoạt động mở cửa về đêm, sau khi thực hiện trong dịp Festival Huế 2018, sẽ được triển khai hằng đêm tại Đại Nội với quy mô, hình thức và dịch vụ được chọn lọc cho phù hợp hơn.
Hay cầu đi bộ trên sông Hương đang được triển khai theo dự án Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương do Hàn Quốc tài trợ, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2018. Không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi (từ đầu cầu Phú Xuân đến đầu cầu Trường Tiền) gồm các hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày văn hóa nghệ thuật, không gian biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách và cộng đồng dự kiến thử nghiệm giai đoạn đầu trong dịp Festival Huế.
Bên cạnh đó, chương trình giải trí thực tại ảo tại Đại Nội có chủ để “Đi tìm Hoàng cung đã mất” do một công ty Hàn Quốc đầu tư sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm phục vụ du khách nhân dịp lễ 30/4 năm nay.
Cùng với đó, một số sản phẩm tour mới được hình thành trong mấy năm gần đây đang được hoàn thiện, nâng cao chất lượng để phục vụ khách dịp hè, như: Bay khinh khí cầu trên Cố đô Huế; Lăng Cô biển xanh khám phá đảo ngọc; Bãi Chuối và lặn ngắm san hô; sáng Thủy Biểu, chiều Tam Giang khám phá và trải nghiệm cảnh đẹp và sinh hoạt cộng đồng; ngắm hoàng hôn phá Tam Giang trải nghiệm hoạt động ngư trường và ngắm cảnh; dịch vụ Ngự thuyền trên sông Hương; trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng và dịch vụ homestay ở làng cổ Phước Tích; khu du lịch cộng đồng cầu Ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy và ở huyện A lưới...
Trong năm 2018, Sở Du lịch cũng phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh và một số doanh nghiệp du lịch để bước đầu hình thành chùm tour du lịch tâm linh đặc trưng của Huế. Như vậy, chúng ta có thể thấy phần nào bức tranh khá tươi sáng về sản phẩm du lịch tại điểm đến Thừa Thiên-Huế trong năm nay và thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu thu hút khoảng 4-4,2 triệu lượt khách, tăng khoảng 10-12% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40%-45%); khách lưu trú đạt khoảng 2,1-2,2 triệu lượt, tăng khoảng 17-19% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm 2017, đạt khoảng 4.000-4.200 tỷ đồng.
Thế Phong
Theo chinhphu.vn