Cập nhật: 05/04/2018 11:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, Chính phủ thống nhất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, báo cáo Chính phủ vào tháng 6-2018. Vậy kinh tế chia sẻ là gì? Nhìn từ nông nghiệp sáng tạo, nông dân miền Tây khởi nghiệp, có gì mới?

Mô hình chia sẻ kiến thức kinh doanh, mô hình làm ăn tốt thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Từ lý thuyết đến đồng ruộng

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một mô hình thị trường được chia sẻ mang tính cộng đồng thông qua các dịch vụ trực tuyến, dựa trên nhu cầu và lợi ích chung của các tác nhân tham gia nhằm khai thác tối đa các lợi ích kinh tế nhàn rỗi trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản mà nó có thể còn trong trạng thái “standbar”. Sự phát triển của công nghệ thông tin, GPS, mạng internet, smartphone, thương mại điện tử... đã tạo ra “hệ sinh thái lý tưởng” cung cấp nền tảng công nghệ để phát triển mạnh mẽ hơn nền kinh tế chia sẻ.

Ở Việt Nam thời gian gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ được biết đến qua các start-up thành công trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, giải trí, dịch vụ. Cách đây không lâu, Nguyễn Hà Đông đã được cả thế giới biết đến như một mẫu hình sáng tạo trẻ. Trò chơi trực tuyến miễn phí Flappy Bird của chàng kỹ sư trẻ này được tung lên iOS App Store và Google Play Store, thu hút ba triệu lượt tải mỗi ngày, nhanh chóng cán mức 50 triệu lượt, đạt lượt tải lớn nhất trên toàn hệ thống iOS thế giới, dẫn đầu bảng xếp hạng của App Store US. Có thông tin cho rằng, Nguyễn Hà Đông đã kiếm khoảng 50.000 USD (một tỷ đồng)/ngày từ sáng tạo độc đáo này. Nhưng điều bất ngờ là không lâu sau, chính Hà Đông đã quyết định gỡ bỏ “Con chim tung cánh - Flappy Bird” của mình được cho vì lý do cá nhân. Có thể là do tác giả phần mềm sáng tạo này muốn tránh rắc rối trước “khoảng trống pháp lý”.

Tương tự, là câu chuyện của Uber và Grab – Một sáng tạo độc đáo khác trên môi trường mạng; tuy được “nhập khẩu” nhưng nhanh chóng phát triển ở Việt Nam. Ứng dụng này giúp người dùng dễ dàng sử dụng dịch vụ ta-xi và cũng tạo ra cơ hội kiếm tìm cho nhiều người, tận dụng phương tiện cá nhân để kinh doanh mọi lúc, mọi nơi. Nhưng nó cũng đặt ra thách thức to lớn cho sự tồn tại của các loại hình ta-xi truyền thống, như việc máy gặt chiếm chỗ làm của người gặt lúa. Ngược lại, nó cũng kích thích sáng tạo mới với việc ra đời GO-IXE của Hàng Bá Trí, được xem như một trợ thủ mới của ta-xi truyền thống với khả năng kết nối các hãng ta-xi với phương thức chia sẻ mới. Ngoài ra, còn các công cụ tìm kiếm, đặt phòng khách sạn nhiều người dùng như Trivago, bán hàng qua mạng Facbook.

Đó là những hình thái mới của kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí. Trong khi nước ta còn hơn 70% là nông dân và địa bàn nông thôn rộng lớn. Liệu có phát triển được kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

Gần đây, mô hình chia sẻ kiến thức kinh doanh, mô hình làm ăn tốt thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trước thực trạng nông sản ứ đọng nhiều năm qua, thường rơi vào tình trạng cần giải cứu, thì người nông dân đã biết bán xoài qua mạng. Nông sản từ khi sản xuất đã được xác định địa chỉ tiêu thụ dựa trên sự phát triển của thương mại điện tử cũng là một dạng của kinh tế chia sẻ.

Tập đoàn Lộc Trời đã giúp những nông dân trở thành cổ đông, doanh nhân nông nghiệp, mở ra cơ hội chia sẻ lợi ích thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Tập đoàn này cùng các đối tác cũng đã chính thức ra mắt ứng dụng viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước (SAT4RICE).

Nhờ tích hợp các dữ liệu thông tin cần thiết, công cụ này giúp nông dân nắm bắt thông tin đồng áng cần thiết qua điện thoại thông minh mà không cần phải ra đồng. Nông dân @ chỉ cần truy cập phần mềm, chọn thửa ruộng sẽ nắm được toàn bộ dữ liệu của thửa ruộng đó từ lúc sạ cho đến lúc thu hoạch. Nhiều ứng dụng mà cách đây vài năm như chuyện đùa, nay là sự thật, minh chứng cho các dạng thức của kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp, nông dân.

Các bác “Hai Lúa” ở miền Tây có thể ngồi quán cà-phê miệt vườn để theo dõi công nhân làm việc hằng ngày qua màn hình điện thoại di động thông minh. Tương tự, họ có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt phầm mềm tự động trên smartphone.

Câu chuyện có thật của một gia đình nông dân miền Tây. Sau bữa ăn sáng, người chồng nói phải đi họp, người vợ thì đi chợ và đứa con thì đi thi. Họ không cần rời khỏi nhà mà vẫn hoàn thành công việc do người chồng họp trực tuyến, vợ thì đi chợ qua mạng và đứa con thì đang làm bài thi trên mạng. Kinh tế chia sẻ từ lý thuyết, từ lĩnh vực dịch vụ đã đến ruộng đồng miền Tây qua những nông dân @.

Nông dân truyền cảm hứng và khoảng trống pháp lý

Tập đoàn Lộc Trời đã giúp những nông dân trở thành cổ đông, doanh nhân nông nghiệp, mở ra cơ hội chia sẻ lợi ích thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh: TỐ LOAN

Chính phủ kiến tạo, nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp là những thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền cảm hứng, ươm mầm sáng tạo cho giới trẻ, nông dân miền Tây thời gian qua. Khuyến khích khởi nghiệp, ứng dụng điện toán đám mây, xây dựng nền nông nghiệp thông minh. Đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo yêu cầu thị trường không còn là những ý tưởng ban đầu mà đã được hiện thực hóa bằng nhiều mô hình thực tế.

Một hệ sinh thái khởi nghiệp bước đầu đã được hình thành giúp chắp cánh cho những ý tưởng kinh doanh mới lạ. Khởi nghiệp trở thành mệnh lệnh của phát triển, không phải từ ý tưởng cao siêu mà chính từ thực tiễn sinh động, sáng tạo của người miền Tây.

Nhiều Hai Lúa say mê nghiên cứu, sáng tạo từ thực tiễn, xưa nay không hiếm. Nhưng rõ ràng đang xuất hiện một thế hệ trẻ với khát vọng, được đào tạo bài bản, nhạy bén với thị trường. Chính những nông dân @, đến lượt mình đã truyền cảm hứng trở lại cho các mô hình chính quyền điện tử, giải quyết hồ sơ của công dân tại nhà, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký kinh doanh qua mạng, xây dựng hệ thống hồ sơ dữ liệu công dân để tiến tới bỏ hộ khẩu, tích hợp thẻ căn cước công dân.

Những kết quả bước đầu của nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách, thể chế mới và xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ để khuyến khích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nền kinh tế chia sẻ nhìn từ những nông dân @.

Trong khi người dùng hồ hởi đón nhận vì những tiện ích tuyệt vời mang tính chia sẻ và lợi ích kinh tế cao, thì các cơ quan quản lý giao thông vận tải cũng đau đầu trong việc quản lý các “hình thái kinh tế chia sẻ” này.

Còn một khoảng trống pháp lý khi mà công nghệ và hoạt động kinh tế vượt lên trước, đòi hỏi sâu hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và những dạng thức của kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp. Bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cho những kết quả sáng tạo, khởi nghiệp phát huy kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp, nông dân và nhiều vấn đề khác đang đặt ra, đòi hỏi cần hoàn thiện “hệ sinh thái” cho nền kinh tế chia sẻ.

Việc Chính phủ xúc tiến xây dựng đề án mô hình kinh tế chia sẻ là một yêu cầu quan trọng, cần quan tâm cho vấn đề tam nông.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm