Cập nhật: 06/04/2018 14:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phụ nữ ở độ tuổi 40-50 có triệu chứng rong kinh, thống kinh, đau khi quan hệ chăn gối, đau vùng chậu mạn... có thể là dấu hiệu của bệnh cơ tuyến tử cung-Adenomyosis - một rối loạn phụ khoa lành tính ở phụ nữ.

Bệnh cơ tuyến tử cung là tình trạng mô tuyến của nội mạc tử cung hiện diện bên trong cơ của thành tử cung. Bình thường, biểu mô tuyến chỉ có ở lớp nội mạc tử cung, có chu kỳ phát triển và thoái triển theo chu kỳ hormon sinh dục nữ, tạo ra hiện tượng kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, khi mô tuyến này lạc vào trong cơ tử cung sẽ tạo ra tình trạng bệnh lý bất thường với triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng dưới theo chu kỳ kinh nguyệt.

Dấu hiệu bệnh

Biểu hiện của bệnh cơ tuyến tử cung có thể khác nhau ở mỗi người, từ mức độ nhẹ tới nặng. Có khoảng 1/3 trường hợp là không có triệu chứng nào và chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh phụ khoa khác. Nhưng ở những trường hợp còn lại, bệnh cơ tuyến tử cung có thể ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Người phụ nữ mắc bệnh cơ tuyến tử cung có thể bị đau nhiều tới rất đau trong thời gian có kinh nguyệt (thống kinh), lượng máu kinh ra nhiều (cường kinh) có lẫn máu cục, kéo dài (rong kinh). Ngoài ra, có thể có cảm giác tăng áp lực lên bàng quang và trực tràng, đau trong khi đi cầu. Dấu hiệu đau vùng chậu mạn, đau khi giao hợp cũng là những biểu hiện thường gặp. Tử cung to lên nhưng người bệnh có thể chỉ thấy bụng to hơn trước. Các triệu chứng này thường xảy ra khi bệnh nhân quanh độ tuổi 40-50. Tuy nhiên, những triệu chứng trên thường không chuyên biệt, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như chảy máu tử cung do rối loạn chức năng, do u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung… Tần suất và độ nặng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ lan tỏa và độ sâu của bệnh cơ tuyến tử cung. Triệu chứng thường biến mất hoặc cải thiện sau khi mãn kinh.

Phân biệt bệnh cơ tuyến tử cung (trái) và lạc nội mạc tử cung (phải).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chưa chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng có một số giả thuyết: Do sự phát triển bào thai, bệnh cơ tuyến tử cung có thể hình thành từ khi còn là thai nhi; Có thể do nguyên nhân viêm nội mạc tử cung liên quan tới sinh đẻ; Là kết quả của tình trạng xâm lấn trực tiếp của các tế bào nội mạc tử cung từ bề mặt của tử cung đi vào lớp cơ tạo nên thành tử cung. Những vết cắt vào tử cung được tạo ra trong phẫu thuật, chẳng hạn như trong mổ lấy thai, có thể tạo cơ hội cho các tế bào nội mạc tử cung xâm lấn vào thành của tử cung; Các yếu tố rủi ro gồm: mang thai nhiều lần, tuổi tác, có tiền sử phẫu thuật tử cung, nạo thai, can thiệp buồng tử cung...

Điều trị

Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau dành cho phụ nữ có mắc bệnh cơ tuyến tử cung.

Dùng thuốc: các thuốc chống viêm, thuốc nội tiết có thể làm giảm các triệu chứng.

Nút mạch tử cung: Giúp dừng việc cung cấp máu đến khu vực bị ảnh hưởng và giảm các triệu chứng. Các triệu chứng có thể tái phát sau 2 năm, điều trị bằng nút mạch có thể được lặp lại hoặc phẫu thuật cắt tử cung.

Phẫu thuật cắt tử cung: Có thể điều trị tận gốc bằng cách cắt tử cung hoặc điều trị bảo tồn (nội soi buồng và nạo niêm mạc tử cung).  Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào độ tuổi và mong muốn có thai trong tương lai của bệnh nhân. Cũng có thể cắt tử cung bán phần hay toàn phần tùy thuộc tình trạng của bệnh nhân, mức độ hiện diện của tổn thương, độ sâu của xâm lấn. Sau phẫu thuật, điều trị tiếp tục bằng GnRH agonist cho thấy có hiệu quả làm giảm tái phát triệu chứng thống kinh và cường kinh.

Không cần thiết phải điều trị nếu không có triệu chứng, không có ý định mang thai hoặc đang gần mãn kinh.

Phân biệt bệnh cơ tuyến tử cung với lạc nội mạc tử cung

Bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis) và lạc nội mạc tử cung (endometriosis) rất giống nhau nhưng có sự khác biệt: Trong bệnh cơ tuyến tử cung, các tế bào nội mạc tử cung phát triển trong cơ tử cung; Trong lạc nội mạc tử cung, những tế bào này phát triển bên ngoài tử cung, đôi khi ở buồng trứng và ống dẫn trứng. Lạc nội mạc tử cung xảy ra ở phụ nữ độ tuổi 30 và 40, trong khi nhiều phụ nữ từ 40-50 tuổi có xu hướng phát triển bệnh cơ tuyến tử cung. Có thể một người phụ nữ bị cả lạc nội mạc tử cung và bệnh cơ tuyến tử cung.

Lời khuyên của thầy thuốc

Một người phụ nữ không có ý định mang thai hoặc không gặp bất kỳ triệu chứng nào có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, bất kỳ phụ nữ nào nghi ngờ bệnh cơ tuyến tử cung nên gặp bác sĩ để đánh giá. Mặc dù là bệnh lý lành tính, nhưng những cơn đau và những đợt chảy máu nặng nề do lạc nội mạc trong cơ tử cung gây ra có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.Những cơn đau lặp đi lặp lại có thể dẫn đến trạng thái trầm cảm, kích thích, lo lắng, tức giận,... Chảy máu nặng, kéo dài khi hành kinh có thể dẫn đến thiếu máu mạn tính.Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vô sinh cao ở những người bị bệnh cơ tuyến tử cung. Đó là lý do tại sao bệnh cơ tuyến tử cung cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

BS. Nguyễn Thị Lý

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm