Thực tế, tất cả các hãng taxi, hợp tác xã vận tải đã và đang xây dựng phần mềm gọi xe. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó có thể thành công. Vì thế, sau khi Uber sáp nhập Grab, các hãng taxi đồng lòng sẵn sàng xây dựng hệ thống ứng dụng gọi xe chung cho cả ngành để hợp lực tạo thành sức mạnh nhằm cạnh tranh Grab.
Sợ Grab “làm mưa gió” thị trường vận tải
Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, ở mỗi quốc gia, thị phần taxi và thị phần gọi xe không bị triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau, chưa kể nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Việc nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe, tạo cho thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn và qua đó người dân được hưởng lợi.
Taxi Mai Linh là một trong bảy hãng taxi được Bộ Giao thông vận tải cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ), Tổng Giám đốc Mai Linh miền bắc Hồ Quốc Phi khẳng định, Mai Linh không thể địch nổi với ứng dụng gọi xe Uber, Grab bởi mức khuyến mại rất lớn cho hành khách (khách hàng được khuyến mãi giảm phí liên tục trong tuần ở các mức 20 - 25 - 30 - 50 nghìn đồng hằng tuần, hoặc đi liên tục năm cuốc được giảm giá).
Lo lắng hơn, ông Hồ Quốc Phi còn đưa ra kịch bản: Nếu Grab triệt tiêu được taxi truyền thống, độc diễn trên thị trường, câu chuyện không biết sẽ đi đến đâu. Việc Grab thâu tóm Uber, có bốn câu hỏi đặt ra cần được trả lời. Đó là: Grab có vi phạm luật độc quyền hay không? Toàn bộ dữ liệu của khách hàng và lái xe mà Uber đang quản lý tại Hà Lan khi chuyển sang Grab có được lái xe và khách hàng quản lý hay không? Các lái xe đã mua xe để đầu tư chạy cho Uber hiện nay như thế nào? Giải quyết hệ luỵ nạn kẹt xe ra sao?
Đại diện nhiều doanh nghiệp taxi cho biết, trước đây Uber, Grab còn hoạt động riêng lẻ, cạnh tranh nhau gay gắt, đã gây cho ngành taxi truyền thống rất nhiều khó khăn. Hiện nay, cả hai công ty mạnh này còn kết hợp lại, chắc chắn sẽ “làm mưa làm gió” trên thị trường vận tải, đẩy taxi truyền thống vào cảnh khó khăn hơn nếu không tự thay đổi mình. Cách khuyến mại như vậy, taxi truyền thông không thể chạy theo cũng bởi thua ở năng lực tài chính.
Giải thích rõ hơn vì sao các hãng taxi thua Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã giao thông vận tải Toàn Cầu chỉ ra nguyên nhân do các hãng taxi phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không. Đối tác lái xe Grab mỗi ngày chạy xe đều phải nộp trước vào tài khoản một số tiền (thông thường một triệu đồng), khi có khách sẽ bị chiết khấu ngay phần trăm (tối đa 28% doanh thu về cho hãng). Với 50 nghìn đối tác lái xe, lượng tiền ròng đổ về “túi” của Grab rất lớn, tha hồ sử dụng khuyến mại giá. Do vậy, không một hãng vận tải nào trong nước hiện nay có đủ tiềm lực bằng Grab. Các hãng taxi truyền thống càng xoay sở, càng thất bại. Các hãng phải bỏ số tiền lớn để xây dựng nhiều App (ứng dụng trên điện thoại), nhưng nếu không xã hội hoá, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ rất khó thay đổi và cạnh tranh sòng phẳng được với Grab.
Đồng tình quan điểm Grab và Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, hiện nay, taxi công nghệ như “cá mập’ tấn công mạnh mẽ thị trường, lợi dụng kẽ hở của pháp luật (quy định xe chạy Uber, Grab phải đăng ký vào hợp tác xã mới được cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng bản thân hợp tác xã chỉ là bình phong để Uber/Grab hoạt động), tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Thiết kế ứng dụng chung để đối phó Grab
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền phân tích lý do Grab và Uber nhanh chóng thống lĩnh được thị trường, được người dân đón nhận ngay lập tức, nguồn nhân lực cũng được huy động rất nhanh chóng.
Về phía người tiêu dùng, khách đi Uber hay Grab khá thuận tiện do phần mềm thân thiện, công khai minh bạch, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng nhất là giá cả ban đầu rẻ hơn hẳn taxi truyền thống. Grab và Uber xâm nhập thị trường với chiến lược bài bản, chấp nhận thua lỗ ban đầu để tích luỹ thị trường. “Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Hành khách sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm” - bà Hiền nhìn nhận.
Do đó, các doanh nghiệp vận tải, taxi phải nhìn lại chính mình, nghiên cứu bản chất thị trường, thay đổi chất lượng dịch vụ chứ không chỉ thay đổi công nghệ. Mỗi giai đoạn phát triển, người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn, các hãng taxi phải tự đào thải những gì chưa phù hợp, lạc hậu chứ không chờ người khác đào thải mình.
Thừa nhận hiện nay tất cả các hãng taxi, hợp tác xã vận tải tự mình xây dựng phần mềm nhỏ lẻ, manh mún nên khó có thể thành công, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, taxi truyền thống hiện vẫn đang cạnh tranh, giảm giá để “đấu” với Grab. Gần 80 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội đều có phần mềm viết riêng cho đơn vị. Tuy nhiên, các hãng taxi đang ở thế bị chia nhỏ nên giờ phải tập hợp lại để tạo sức mạnh cạnh tranh bình đẳng.
“Chủ trương của taxi Hà Nội là có hệ thống ứng dụng chung cho tất cả ngành taxi. Về ý tưởng phát triển, đây sẽ là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến Thủ đô có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn” - ông Hùng nêu giải pháp.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam mới đây đã để lại nhiều hệ lụy. Trong đó, có thể xảy ra khả năng Uber ôm theo tiền thuế do lái xe đã nộp ngân sách Nhà nước và hàng nghìn lái xe đang đối diện nguy cơ mất việc làm. Thật khó hình dung trong tương lai, khi chính sách kinh doanh từ Grab bất ngờ thay đổi như bán cho doanh nghiệp khác, bị doanh nghiệp khác thôn tính; hoặc độc quyền thay đổi chính sách như tăng chiết khấu sẽ khiến hợp tác xãvà tài xế gặp nhiều rủi ro.
“Có thể một lúc nào đó, Grab cũng sẽ bán cho một công ty đa quốc gia khác như Uber đã bán cho Grab thì hệ lụy lúc đó sẽ còn lớn hơn nhiều” - ông Tuấn lo lắng.
Để khắc phục những bất cập của các hợp tác xã vận tải đang hợp tác cùng Grab, Hợp tác xã giao thông vận tải Toàn Cầu đã trình Bộ Giao thông vận tải xin thí điểm mô hình mới là Liên hiệp hợp tác xã Vận tải điện tử, dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm (từ tháng 6-2018 đến tháng 6-2020). Với mô hình mới này, người dân có thể tiếp cận xe bằng ứng dụng “Xe điện tử” kết nối tương tự như Uber, Grab hoặc tiếp cận xe nhanh nhất bằng nhận diện đèn báo điện tử gắn trên nóc xe.
Theo đó, phương tiện tham gia thí điểm là xe ô-tô dưới 9 chỗ, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng và có niên hạn sử dụng không quá tám năm. Xe sẽ được lắp đèn “Xe điện tử” hoặc “Xe hợp đồng điện tử”, hành khách và cơ quan chức năng có thể nhận diện trực quan dễ dàng. Đèn điện tử hoạt động tự động, khi có khách tự động tắt, khi không có khách tự động sáng. Khi lái xe không hoạt động kinh doanh, đèn điện tử gập xuống (biến mất), trở thành xe cá nhân hoạt động bình thường.
Sau khi đã lên xe, khách hàng có thể mở bất cứ một App (ứng dụng) gọi xe nào mà khách hàng biết để tính giá cước cho chuyến đi và hợp đồng điện tử được xác lập trên ứng dụng đó, ngay cả với ứng dụng của Grab. Tuy nhiên, ứng dụng “Xe điện tử” sẽ rẻ hơn bất cứ ứng dụng nào trong cùng một thời điểm”, ông Tuấn khẳng định.
Vận tải hành khách là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chủ thể tham gia phải đáp ứng năng lực vận tải, bảo đảm cung cấp cho khách hàng chuyến đi an toàn. Theo đề án thí điểm này, các tài xế tham gia hình thức vận tải hợp đồng điện tử phải trực thuộc các pháp nhân là hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh vận tải. Đặc biệt, lái xe sẽ được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm đầy đủ các quyền lợi của người lao động. Đồng thời, được đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn, khám kiểm tra sức khỏe định kỳ; phương tiện vận chuyển được kiểm tra định kỳ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Tại buổi tọa đàm, đại diện đơn vị vận tải taxi và công ty phần mềm ứng dụng gọi xe đều mong muốn các phần mềm của các công ty công nghệ Việt sẽ được Nhà nước có cơ chế bảo hộ, hỗ trợ lớn mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải và công ty công nghệ sẽ cùng ngồi lại, tìm tiếng nói chung để cạnh tranh hiệu quả hơn. Bởi, nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi, có thể dẫn tới phá sản và hành khách sẽ chịu thiệt thòi.