Cập nhật: 09/04/2018 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, dù các liên hoan, hội diễn sân khấu được tổ chức thường xuyên hơn với những “cơn mưa” huy chương, giải thưởng; song đằng sau những hoạt động bề nổi, không thể phủ nhận bước đi của sân khấu vẫn còn lạc nhịp so với hiện thực.

Vở Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam, một thử nghiệm để thu hút khán giả.

Những năm gần đây, dù các liên hoan, hội diễn sân khấu được tổ chức thường xuyên hơn với những “cơn mưa” huy chương, giải thưởng; song đằng sau những hoạt động bề nổi, không thể phủ nhận bước đi của sân khấu vẫn còn lạc nhịp so với hiện thực.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang cuối tháng 3 vừa qua, NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình của Hội nhận định: Thời kỳ mới, nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa thế giới cũ-mới, nhưng sân khấu vẫn chỉ quanh quẩn những đề tài về quá khứ lịch sử hoặc đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt, đời thường. Mò mẫm làm sân khấu thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc. Sân khấu công lập còn nặng nề, lấy xưa nói nay, né tránh thực tại, tìm sự an toàn hơn là dấn thân đi tìm cái mới, hoặc nếu có ý thức tìm tòi cũng nghiêng về an toàn mặt tư tưởng. Trong khi đó, sân khấu xã hội hóa nương theo các yếu tố giải trí như đồng tính, ma, kinh dị, hài, hề…, dần dần đánh mất sức hút với công chúng.

Cùng chung nhận định nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng sân khấu đang khủng hoảng khán giả - sự khủng hoảng đáng lo ngại nhất mà theo NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là hệ quả của hàng loạt vấn đề còn bế tắc trong đời sống sân khấu như: thiếu kịch bản có chất lượng tốt để dàn dựng, thiếu đạo diễn trẻ có năng lực, thiếu diễn viên đáp ứng đủ các tiêu chí thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật… Vì thế, dù lực lượng sáng tác và biểu diễn sân khấu ở nước ta không nhỏ, các tác phẩm đã được đa dạng hóa hơn về đề tài với nhiều cuộc vận động sáng tác nhưng vẫn thiếu vắng những vở diễn thật sự hấp dẫn về cả nội dung và nghệ thuật. Ở nhiều vở, tính cổ động, tuyên truyền còn “lấn sân” cả tính nghệ thuật và đặc trưng chuyên nghiệp cần có.

Đối mặt những thách thức này, sân khấu buộc phải tự cứu mình bằng cách đổi mới. Trong cơ chế thị trường, sân khấu đang tồn tại hai dòng sáng tạo chính là tinh hoa và đại chúng. Theo PGS,TS Trần Trí Trắc, cả hai dòng này đều phải đổi mới toàn diện từ tổ chức nhân sự, sáng tạo tác phẩm, tới biểu diễn, quảng bá… Muốn đổi mới, dòng tinh hoa phải có mạnh thường quân biết kinh doanh để chăm lo lợi nhuận kinh tế và dành cho nghệ sĩ lợi nhuận tinh thần. Dòng đại chúng phải có những sáng tạo hướng tới thị hiếu, hòa vào cảm xúc thẩm mỹ của nhân dân để trở thành “văn nghệ dân gian” thời công nghiệp hóa. Nghệ sĩ cần sản xuất những mặt hàng mà “thượng đế” muốn, chứ không phải những thứ mình muốn. NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: Các nhà quản lý cần thay đổi cách làm kiểu xin-cho. Việc đầu tư sáng tác nên theo cách xét duyệt dự án thông qua thẩm định chất lượng và ý tưởng.

Muốn nâng cao chất lượng sân khấu phải có định hướng của phê bình. Đáng tiếc, giới phê bình sân khấu nước ta vừa thiếu lại vừa yếu. Nói như tác giả Nguyễn Hiếu: Người tham gia sáng tạo thì thường chỉ thích được nói hay, tán tụng, ngại bị phê phán, nói thật về cái dở trong tác phẩm; còn người phê bình thì nể nang, dĩ hòa vi quý, sợ gây mất lòng. Vì thế, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phê bình và cơ chế đẩy mạnh hoạt động phê bình sân khấu.

Về phía Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội cho biết: Hội sẽ đổi mới ngay trong cách vận hành, tổ chức hoạt động chuyên môn. Ban sáng tác của Hội sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo cho tác giả trẻ; tập trung đầu tư sáng tác cho sân khấu thử nghiệm để tìm kiếm những hình thức sân khấu mới, hấp dẫn công chúng. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu để lựa chọn những tác phẩm có chất lượng, đồng thời mời những nhà lý luận đi xem tác phẩm và sau đó trực tiếp trao đổi, góp ý với đối tượng sáng tạo. Trong các liên hoan, hội diễn, Hội sẽ kiến nghị tổ chức thêm được nhiều hội thảo để đánh giá, rút kinh nghiệm trực tiếp cho các đơn vị xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam…

 

Theo ĐẮC LINH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm