Trước cuộc đua bán lẻ thương mại điện tử ngày càng gay cấn, các hệ thống siêu thị tại Việt Nam đã đến lúc không thể làm ngơ.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM), bán lẻ trực tuyến được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục nhất của thương mại điện tử, lên đến 35% trong năm 2017.
Với mức tăng trưởng 35%/năm, bán lẻ thương mại điện tử là một mảnh đất màu mỡ chưa được tận dụng.
Con số này cao hơn phân nửa so với tốc độ tăng trưởng bình quân 25% của toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam, vốn được đánh giá là rất hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.
Tới đây, cuộc đua bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam sẽ ngày càng gay cấn hơn khi các hệ thống siêu thị cả trong và ngoài nước như Co.op Mart, Aeon, Lotte Mart... bước đầu ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động bán lẻ, với quy mô đầu tư ít nhất là 50 triệu USD trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, Aeon là hệ thống siêu thị áp dụng thương mại điện tử tại Việt Nam với việc ra mắt website bán hàng từ năm 2017, và vận hành thêm ứng dụng mua sắm online hồi cuối năm, đồng thời nâng cấp dịch vụ lên giao hàng toàn quốc.
Hệ thống siêu thị Lotte cũng vừa cho vận hành ứng dụng mua sắm trực tuyến trên smartphone khoảng 3 tháng nay. Bước đầu đánh giá, mỗi tháng lượng người dùng ứng dụng tăng trưởng gấp đôi. Lotte cho biết, sắp tới sẽ đầu tư tiếp khoảng 1.000 tỷ đồng vào thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ngay cả Saigon Co-op, đơn vị có độ phủ hệ thống bán lẻ rộng hàng đầu thị trường tại Việt Nam hiện nay, khá thận trọng trong việc ứng dụng thương mại điện tử, nhưng trước xu thế của thị trường, mới đây, Saigon Co-op cho biết sẽ bắt đầu ứng dụng mô hình thương mại điện tử kết nối đa phương tiện từ giữa năm nay.
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực Miền bắc của Nielsen Việt Nam, dù mức độ áp dụng thương mại điện tử có khác nhau, nhưng có thể thấy đến lúc này các siêu thị đã không thể làm ngơ trước "cuộc đua" thương mại điện tử.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực Miền bắc của Nielsen Việt Nam
"Với lợi thế đã có sẵn, là một mạng lưới phân phối rộng khắp được xây dựng từ trước, các siêu thị đủ cơ sở để "xí phần" trong miếng bánh thị trường thương mại điện tử Việt Nam, được dự báo có thể sớm "phình to" ra đến 10 tỷ USD trong vài năm nữa", bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, dịch vụ thương mại điện tử chính là bài toán lớn mà tất cả hệ thống siêu thị phải tìm cách giải được, mới mong giành được thị phần trong bán lẻ trực tuyến.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia ngành bán lẻ phân tích, hệ thống siêu thị nào có độ phủ lớn hơn đương nhiên có lợi thế nhiều hơn. Ví dụ như Saigon Co-op có đầy đủ các loại hình từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa. Nếu xét ở khía cạnh này, sẽ có những doanh nghiệp bán lẻ nội đủ sức cạnh tranh với khối doanh nghiệp ngoại.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, độ phủ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là cách làm dịch vụ. Sau khi các doanh nghiệp ngoại chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ trong nước từ cách đây vài năm, thì nay, bằng kinh nghiệm trên trường quốc tế, khối ngoại có vẻ như đang làm bài bản hơn, nhanh hơn các doanh nghiệp nội trong "cuộc đua" thương mại điện tử.
Theo ông Trần Anh Tuấn, dịch vụ bán lẻ lâu nay là điểm yếu của doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện lại quy trình dịch vụ, đảm bảo được việc giao hàng đến khách hàng có thái độ, dịch vụ tốt hơn.
Theo Vân Anh/VOV.VN