Nhiều diện tích lúa hè thu ở Hậu Giang gieo sạ sớm, vì lúa đang được giá.
Sạ sớm vì lúa đang được giá…
Theo lão nông Tô Văn Hiệp, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, bà con ở đây ai cũng tranh thủ xuống giống ngay vụ lúa hè thu sớm hơn cùng kỳ gần 10 ngày. Hiện, một ha vụ lúa hè thu của ông được hơn một tháng tuổi, đã có rầy nâu tấn công, nhưng với mật độ thấp. Bà con ai cũng canh phun xịt rầy, trong lo lắng.
Còn ông Nguyễn Văn Xưa, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, nói rằng: “Thấy lúa đang có giá cao, nên ai nấy đều muốn gieo sạ sớm để có lúa bán. Vì thế, sau khi đốt đồng xong là tiến hành trục, xới đất để vùi rơm rạ rồi xuống giống ngay. Nhưng mới đầu vụ mà thấy lo, vì dịch hại đang tấn công, nhất là rầy nâu xuất hiện, sợ có mang mầm bệnh VL-LXL truyền bệnh cho cây lúa”.
Cánh đồng gần 40 ha ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, vừa sạ không bao lâu thì cũng bị rầy tấn công. Bà con đã tốn chi phí phun xịt, bơm nước gấp đôi so với bình thường, nhưng rầy vẫn “đặc sệt” trên lúa, với mật độ từ 1.000 - 3.000 con/m2. Nhìn sáu công lúa đang bị dịch rầy hoành hành, ông Phạm Thanh Cần ở xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Thấy lúa đang có giá, bà con ở đây rủ nhau cùng xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hơn 20 ngày, mặt khác cũng để tranh thủ làm thêm lúa vụ ba, nên lúa của ai cũng bị nhiễm rầy. Bây giờ chỉ mong cứu được phần nào hay phần đó!”…
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu 2018, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ gieo sạ khoảng 76.800 ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống hơn 20.000ha. Hiện lúa trong giai đoạn mới gieo sạ đến hơn một tháng tuổi. Tuy nhiên, điều lo ngại là trong số lúa đã xuống giống thì có nhiều diện tích bà con gieo sạ không bảo đảm thời gian cách ly mầm bệnh, đặc biệt là có không ít diện tích gieo sạ trước lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, nên nguy cơ dẫn đến dịch bệnh trên lúa là rất cao.
Tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát
Theo nhận định của ngành chức năng, việc gieo sạ sớm sẽ đối mặt nhiều thách thức về thời tiết và dịch hại. Bởi trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, thì các giải pháp phòng trừ các dịch hại cũng ít nhiều bị chi phối. Theo thống kê của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), vụ lúa đông xuân 2017-2018, ĐBSCL có hơn 5,5 nghìn ha bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ từ 30-70%, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ.
Riêng ở Hậu Giang, có 655 ha lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL, với tỷ lệ phổ biến từ 30-70%. Đáng chú ý là ba huyện giáp ranh nhau là huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu) và thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang có ổ dịch bệnh LV-LXL khá lớn. Nếu không có giải pháp, nguy cơ dịch sẽ bùng phát trong vụ lúa hè thu đang xuống giống và cả những vụ tiếp theo.
Vụ lúa đông xuân vừa qua, huyện Long Mỹ có hơn 600 ha bị rầy nâu và bệnh VL-LXL với tỷ lệ từ 30-70%. Mầm bệnh tồn đọng trên cánh đồng còn nhiều và việc sạ sớm khiến diện tích nhiễm rầy và bệnh vụ lúa hè thu này có nhiều khả năng tăng mạnh. Thực tế, toàn tỉnh Hậu Giang đã có gần 900 ha lúa hè thu bị nhiễm rầy nâu, tăng gần 400 ha so tuần trước, trong đó có hơn 250 ha bị nhiễm VL-LXL, chủ yếu là huyện Long Mỹ. Đáng chú ý, phần lớn diện tích lúa đông xuân và hè thu sớm ở hai huyện giáp ranh là huyện Hồng Dân và thị xã Ngã Năm cũng đã bị nhiễm rầy.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật thì dịch rầy nâu và bệnh VL-LXL đã bộc phát trở lại từ giữa vụ hè thu năm 2017 vừa qua và sau hơn 10 năm khống chế dịch hại này. Ngoài nguyên nhân do mất cân đối trong cơ cấu giống, lúa bị nhiễm rầy, nhiễm bệnh thì cũng có phần do bà con không tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ xuống giống để né rầy.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, vụ hè thu năm nay được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, nhất là tình hình dịch bệnh có khả năng xuất hiện nhiều, đáng lo ngại nhất là bệnh VL-LXL.
Do đó, để người nông dân có thêm vụ lúa thắng lợi, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh VL-LXL, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nên sử dụng các giống lúa kháng rầy, đặc biệt là xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ để tránh hai đợt rầy nâu di trú: Đợt 1, từ 27-4 đến 4-5 và đợt 2, từ 25-5 đến 1-6.
Song song việc né rầy, bà con cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trong quá trình bơm trữ nước ngọt, bởi qua các điểm đo độ mặn ở huyện Long Mỹ có lúc lên đến 5 phần nghìn, nhằm tránh thiệt hại kép.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bà con nông dân không nên nóng vội, gieo sạ sớm để chạy theo giá lúa, mà cần tuân thủ lịch thời vụ cũng như những khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Làm đất để sạ sớm vụ lúa hè thu ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.