Cập nhật: 13/04/2018 11:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra chiều 12/4, ông Trần Hồng Thái-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn đã đưa ra nhận định chi tiết về xu thế thiên tai trong mùa mưa, bão, lũ năm 2018.

Ảnh minh hoa. (Nguồn: TTXVN)

Theo đó, dự báo trong năm 2018 sẽ có khoảng 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Vào thời kỳ đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng cao bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.

Trong khi đó, nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ năm nay có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như trong năm 2017.

Mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trên nhiều sông suối mực nước sẽ xuống thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực này.

Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương năm 2016-2017.

Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức biến động 2-3, một số sông suối nhỏ trên biến động 3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.

Mùa lũ ở các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm.

Trên lưu vực sông Mê Kông mùa lũ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức 2,5-3,0m; đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức biến động 2-3.

Trong năm 2018, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần của tháng 12. Tại ven biển Nam Trung Bộ (Phú Yên, Phan Thiết) nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 11 và 12.

Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ. Trong các tháng cuối năm 2018 khả năng sẽ có sóng lớn 3-4m tại khu vực ven biển các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ông Thái cho biết, đặc điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo năm 2018 đó là việc nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão đến 5 ngày, áp thấp nhiệt đới đến 3 ngày và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn trước 1-2 ngày.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, thực tế cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Cảnh báo sớm có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của thiên tai, trong đó chú trọng về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai.

Để hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn cho rằng cần phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó..

 

 

Theo HÙNG VÕ (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/nhan-dinh-xu-the-thien-tai-trong-nhung-thang-mua-mua-bao-nam-2018/496996.vnp

 

Tệp đính kèm