Cập nhật: 14/04/2018 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 13-4, tại buổi họp báo về “Dự án Luật Thuế Tài sản”, ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu NSNN.

Ông Phạm Đình Thi trình bày một số nội dung về đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tài sản.

Tính thuế căn cứ giá đất do UBND cấp tỉnh công bố
Căn cứ tính thuế tài sản được đơn vị soạn thảo đưa ra là giá tính thuế và thuế suất. Trong đó: Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá 1m2 đất tính thuế.

Giá 1m2 đất tính thuế cũng được Bộ Tài chính đưa ra hai phương án gồm: Phương án 1- Giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế;

Phương án 2-Giá 1m2 đất tính thuế được xác định theo giá thị trường tại thời điểm tính thuế.

Phương án 1 có nhiều ưu điểm như: Đơn giản, khả thi, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế; thuận lợi cho cơ quan cơ quan thuế trong việc xác định giá tính thuế do giá của 1m2 đất tính thuế được lấy theo giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố nên đã có, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện phương án 1.

Nhà 700 triệu đồng trở lên phải chịu thuế 
Theo ông Phạm Đình Thi, có hai cách xác định ngưỡng không chịu thuế để đánh thuế là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích. Cơ quan soạn thảo đề nghị lấy ngưỡng không chịu thuế theo giá trị để đánh thuế tài sản đối với nhà do việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm bảo đảm mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, bảo đảm công bằng xã hội. Đồng thời, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau (đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà biệt thự, nhà ở cấp I cao hơn rất nhiều đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà ở cấp III, cấp IV).

Đối với việc xác định giá trị ngưỡng không chịu thuế đối với nhà: Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo hai phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là một tỷ đồng.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam, cơ quan soạn thảo đề nghị hai phương án thuế suất thuế tài sản gồm: áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%; hoặc áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, các phương án đưa ra có những ưu điểm nhất định đó là: với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là một tỷ đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng) thì không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III.

Với ngưỡng không chịu thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế là 700 triệu đồng (tính theo suất vốn đầu tư xây dựng), phương án này không điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp, không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III (phạm vi điều tiết đối với nhà tại nông thôn và nhà cấp III sẽ nhiều hơn phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là một tỷ đồng).

Việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công.

Tạo tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc quy định mức thuế suất thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản đối với phương án 1 là khoảng 22.700 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là một tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng); đối với phương án 2 là khoảng 30.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là một tỷ đồng) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Để phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, bảo đảm thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu NSNN, theo Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14, đề nghị thực hiện theo phương án 2 và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hằng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP.

Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Theo NGỌC LINH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm