Năm nay chỉ 13 phim dự thi Cánh Diều Vàng. Vì ít phim tham dự nên Hội Điện ảnh đành chọn cả để tranh tài, dù chất lượng các phim chênh nhau không ít.
“Dạ cổ hoài lang”, phim hiếm hoi thoát lối mòn “hài nhảm” mùa phim năm nay.
Thời cuộc vắng bóng trong điện ảnh
Dù được đánh giá số phim năm nay đa dạng thể loại nhưng hầu hết đều quay quanh cuộc sống thành thị, chuyện tình yêu, còn đề tài mang tính thời sự hầu như không có. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam thở dài: “Lịch sử truyền thống vắng bóng ở phim truyện điện ảnh, chỉ có ở phim tài liệu”. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, trưởng BGK phim truyện cho biết: “Chưa xuất hiện những bộ phim nói về vấn đề quan trọng bức thiết của cuộc sống con người Việt Nam. Thiếu nhân vật mang sức vóc cả về thể chất tinh thần. Những phim mang tính triết lý sâu sắc chưa xuất hiện. Chúng tôi vẫn đang… mong chờ”.
Còn đạo diễn, NSND Nhuệ Giang lại băn khoăn khi trong các phim năm nay vấn đề đất nước Việt Nam là không có. Những phim về nghề nghiệp trẻ rất thiếu chuyên nghiệp, không chỉ kịch bản mà còn ở sự thể hiện. Bà Giang nhấn mạnh, phim như thế sẽ tạo ra một thế hệ khản giá lười biếng, không tạo ra vấn đề để họ suy nghĩ vì đáp ứng cho họ câu chuyện hài hước đâu đâu, không gắn bó gì đến đất nước cả. Chung cảm xúc là nhà phê bình Lê Cẩm Lượng và đạo diễn NSND Thanh Vân. Điều đó cho thấy sự chạy theo các đề tài chiều chuộng số đông, hướng đến hài nhảm, tình yêu đô thị khiến điện ảnh Việt Nam dường như đang đi lệch. “Nhiều câu chuyện thời sự gây xúc cảm xã hội nhưng bị bỏ qua. Điện ảnh hơi tách khỏi đời sống xã hội, với cả những nhức nhối lẫn điểm sáng. Nó không tiệm cận với cuộc sống”, đạo diễn Thanh Vân bày tỏ.
Âu cũng là điều có thể hiểu khi đến số lượng phim ra rạp năm nay cũng không bằng mọi năm. Chỉ có 39 phim được phát hành. Trong khi những năm trước, 50 phim/năm không phải hiếm. Một số phim cố gắng thoát lối mòn hài nhàm và nhảm, đầu tư các đề tài mang tính dân tộc, nhân văn như “Cô Ba Sài Gòn”, “Dạ cổ hoài lang”... nhưng vẫn rất hiếm hoi.
Không có phim “hoàn chỉnh”
Kể từ khi các hãng phim chuyển mình cổ phần hóa, lùm xùm hành chính luôn lấn át yếu tố chuyên môn. Thêm vào đó, một số phim nhà nước mấy năm qua đều không thành công về mặt doanh thu. Và đây là năm thứ hai giải Cánh Diều vắng bóng phim nhà nước.
Ở khía cạnh tích cực, đó là tín hiệu mừng của xã hội hóa phim ảnh. Nhưng mặt khác, nó cho thấy sự thụt lùi của những đơn vị từng làm nên lịch sử điện ảnh nước nhà. Nói như ông Đặng Xuân Hải thì nhìn lại vài năm gần đây, các cơ sở làm phim truyền thống tạo nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam đã vắng bóng. Tất nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn vào thực trạng như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội điện ảnh Việt Nam nhận xét, giấc mơ của chúng ta về những năm tháng xa xưa chỉ là giấc mơ, không thể quay lại được. Những phim trông đợi từ nhà nước chắc chỉ ít thôi. Vài phim với đề tài nhà nước đặt hàng chứ không thể mong mỏi như xưa được.
Nhưng liệu có phải đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng phim dự giải kỳ này không được cao. Như nhận xét của đạo diễn Nhuệ Giang, thì: “Hai ngày đầu chấm phim, tôi thấy như “thảm họa”, may có ngày cuối cùng có một vài phim hay. Cả BGK cũng đều cảm giác chưa thật hoàn chỉnh”.
Năm nay có một số phim được đánh giá cao về đề tài như “Cô Ba Sài Gòn”, “Giấc mơ Mỹ”... Nhưng đa phần phim được cái này mất cái kia. “Giấc mơ Mỹ” đề tài hay mà cách kể chuyện lại rối rắm”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ. Cũng gần với suy nghĩ này, đạo diễn Thanh Vân đưa ra cái nhìn rộng: Một, hai năm trở lại đây, phim đáp ứng thị trường, doanh thu thì thiếu vắng tính tác giả. Gần như người ta nhớ phim nhưng rất khó nhớ tác giả, đạo diễn như thời kỳ trước từng có. Những phim tiệm cận điện ảnh thế giới là rất thấp.
Theo PHƯƠNG MAI/nhandan.com.vn