Cập nhật: 19/04/2018 14:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Trước tình hình trên, ngành Hải quan đã triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn và đã triệt phá thành công nhiều vụ việc lớn, phức tạp.

Trong quý I-2018, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.232 vụ vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa)

Bắt giữ và xử lý hơn 3.200 vụ

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I-2018, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.232 vụ vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 85 tỷ 214 triệu đồng, với số tiền phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước là 44 tỷ 503 triệu đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 10 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố bốn vụ. Riêng Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì và phối hợp bắt giữ 52 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 25,7 tỷ đồng, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước tính hơn 1 tỷ 698 triệu đồng; khởi tố ba vụ án hình sự; tham mưu lãnh đạo Tổng cục ra sáu Quyết định xử lý vi phạm hành chính, số tiền phạt là 1 tỷ 570 triệu đồng.

Đây là những con số đáng ghi nhận của ngành Hải quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ của ngành còn gặp không ít khó khăn khi những đối tượng hoạt động buôn lậu ngày càng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Ngoài ra, còn phải kể đến một số cán bộ Hải quan thoái hóa về đạo đức đã tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng buôn lậu khiến công tác phòng, chống ngày càng khó khăn. Với những đối tượng là người trong ”ngành” như vậy, việc phát hiện và bắt quả tang là rất khó. Một trong những vụ việc gần đây được dư luận quan tâm là có một số cán bộ Hải quan đã tiếp tay cho đường dây buôn lậu xăng dầu tại Bình Thuận lên tới hàng trăm nghìn tấn.

Ông Lê Nam Phong, Phó đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền trung (Tổng Cục Hải quan) cho biết, chính các cán bộ Hải quan trong quá trình kiểm tra số liệu được lưu tại cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan đã phát hiện số liệu của Công ty Dương Đông Hòa Phú khai báo có dấu hiệu bất thường. Đó là việc những tàu nhận hàng từ các cảng nước ngoài về thường có trọng tải lớn, nhưng tàu của Công ty Dương Đông Hòa Phú khai báo trên tờ khai hải quan thì chỉ nhập khẩu xăng dầu số lượng rất nhỏ so với trọng tải tàu.

Qua điều tra, nhận thấy Công ty Dương Đông Hòa Phú có dấu hiệu buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu đã thành lập chuyên án và xây dựng kế hoạch phá án. Qua đó đã bắt quả tang tàu của Công ty Dương Đông Hòa Phú đang bơm lậu xăng trái phép vào kho. Cũng chính trong vụ việc này đã phát hiện có cán bộ làm nhiệm vụ kiểm hóa, giám sát hàng nhập khẩu nhận hối lộ để tàu được bơm xăng trái phép. Hiện các đối tượng có liên quan đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Áp dụng công nghệ trong phòng ngừa, đấu tranh

Chính vì vậy, hiện nay ngoài việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật của lực lượng, Tổng Cục Hải quan còn xây dựng trung tâm chỉ huy trực tuyến, qua đó đã thực hiện tổ chức trực ban luôn bảo đảm thường xuyên, liên tục 24/7. Vận hành phòng quan sát camera từ các Chi cục để giám sát trực tuyến, sau đó tiến hành phân tích, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra giám sát. Ngoài ra, đơn vị còn thu thập, phân tích dữ liệu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông tin vi phạm để xác định phương thức, đối tượng trọng điểm và xây dựng hồ sơ theo dõi, giám sát trực tuyến; sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật để hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của Cục thực hiện công tác kiểm soát, giám sát container vận chuyển độc lập có dấu hiệu vi phạm…

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Thọ, để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát; tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu của ngành để tổng hợp, phân tích thông tin nhằm dự báo chính xác tình hình, xác định trọng điểm, kịp thời xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan nhằm kiểm soát chặt chẽ địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Cần chủ động phối hợp các lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

TheoKHÁNH BĂNG/nhandan.com.vn

 

 

 

Tệp đính kèm