Cập nhật: 19/04/2018 15:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lúa vụ đông xuân tại các tỉnh miền bắc và Bắc Trung Bộ đang trong giai đoạn đẻ nhánh và phân hóa. Tuy nhiên hiện nay, tình hình sâu bệnh hại lúa đang diễn ra rất phức tạp. Để bảo đảm cho lúa đông xuân sinh trưởng, phát triển, các địa phương cần chủ động theo dõi và phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại.

Người dân xã Hòa An, huyện Phú Hòa (Phú Yên) phun thuốc trừ sâu bệnh trên lúa. Ảnh: THẾ LẬP (TTXVN)

Dịch bệnh hoành hành

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân năm 2018 ở khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ lúa đã và đang trổ bông. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía bắc lúa đang ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh và phân hóa. Dự báo lúa đông xuân miền bắc sẽ trổ bông đại trà từ ngày 25-4 đến 15-5, riêng ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng lúa trổ bông kết thúc trước ngày 20-5. Đây đang là thời điểm quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, sâu bệnh hoành hành đang là điều đáng lo ngại ở nhiều địa phương.

Cụ thể, tính đến giữa tháng 4 đã có 14.418 ha lúa vụ đông xuân mắc bệnh đạo ôn lá. Trong đó, nhiễm nặng 559 ha, mất trắng 13,8 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền bắc. Bệnh lùn sọc đen gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh cũng đã xuất hiện ở hai tỉnh: Ninh Bình và Lai Châu. Ngoài ra, lúa đông xuân ở miền bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ còn bị ốc bươu vàng gây hại với diện tích 2.739 ha. Bên cạnh đó, còn có các đối tượng sinh vật khác gây hại lúa như: Sâu đục thân (431 ha), bệnh khô vằn (12.169 ha), bệnh vàng lá sinh lý (1.210 ha), bọ trĩ (460 ha), nhện gié (2.000 ha), bệnh đốm sọc vi khuẩn (699 ha), bệnh đốm nâu (1.747 ha)…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này đang có hơn 2.000 ha lúa vụ đông xuân bị bệnh đạo ôn cổ bông và hơn 2.012 ha lúa bị nhiễm bệnh đốm nâu. Với tỷ lệ mắc bệnh trung bình từ 5 đến 10%, nơi cao 15 đến 20%, thậm chí một số diện tích nhiễm nặng với tỷ lệ 70 đến 90%. Ngoài hai bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh đốm nâu gây hại nêu trên, lúa xuân ở Hà Tĩnh còn đang bị vàng lá, khô đầu lá với diện tích là 1.143 ha tập trung các huyện như: Thạch Hà 560 ha, Lộc Hà 300 ha, Kỳ Anh 100 ha, Cẩm Xuyên 59 ha, thị xã Kỳ Anh 80 ha, và thị xã Hồng Lĩnh là 39,5 ha.

Tại tỉnh Nghệ An, tình hình dịch bệnh hại lúa đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là bệnh đốm sọc, đạo ôn lá. Chỉ tính riêng huyện Qùy Hợp, thời điểm này đã có hơn 190 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn và đạo ôn trên lá. Cụ thể ,đã có 87 ha lúa nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, tập trung ở các xã: Yên Hợp, Tam Hợp, Đồng Hợp, Châu Quang, Bắc Sơn, Nghĩa Xuân… với tỷ lệ nhiễm trung bình từ 5 đến 13%. 104 ha nhiễm bệnh đạo ôn trên lá, xảy ra ở các xã Đồng Hợp, Tam Hợp, Châu Đình…

Tại Hải Phòng, những ngày gần đây, trên đồng ruộng nhiều địa phương đã xuất hiện rầy lưng trắng, mật độ rầy cám phổ biến ở mức 10 đến 15 con/m2, nơi cao 100 đến 120 con/m2. Rầy lưng trắng là đối tượng “trung gian” để gây bệnh lùn sọc đen và có tốc độ lây lan rất nhanh nếu không được phòng, trừ, phát hiện kịp thời. Khi bệnh đã xuất hiện, công tác phòng, trừ sẽ rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao.

Chủ động phòng, chống sâu bệnh

Để sâu bệnh phát tán mạnh trên lúa vụ đông xuân như hiện nay, ngoài những nguyên nhân khách quan thì công tác quản lý đồng ruộng ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện tốt. Cụ thể, việc phòng, trừ dịch bệnh không kịp thời và nhất là việc sử dụng phân bón hóa học không tuân thủ hướng dẫn, dùng quá đạm khiến cây xanh tốt và mỏng lá, sức chống đỡ kém. Ngoài ra, bộ giống lúa được các địa phương lựa chọn gieo cấy hiện nay với tỷ lệ áp đảo là các giống chất lượng cao, cơm ngon nhưng khả năng chống chịu bệnh không tốt, khiến lúa dễ mắc các bệnh đạo ôn, bạc lá.

Theo Cục Trồng trọt, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, dự báo thời gian tới khi lúa chuyển giai đoạn và cũng là thời điểm chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại và lan truyền. Vì vậy, sâu bệnh trên lúa vụ đông xuân cũng như các loại cây trồng sẽ phức tạp hơn.

Trước tình hình nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Xuân Định cho rằng, các địa phương phải tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, dự báo chính xác thời điểm phát sinh gây hại và phòng trừ kịp thời. Đặc biệt chú ý giai đoạn lúa trổ nếu thời tiết mưa, độ ẩm cao cần đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Ngoài ra, người dân cần bám sát quy luật phát sinh của một số loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân để bảo vệ cây lúa, tránh gây thiệt hại về năng suất. Nếu lúa đã hoàn thành đẻ nhánh bước vào phân hóa cần rút nước, phơi ruộng, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu, cứng cây.

  

Theo ANH THƯ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm