Cập nhật: 22/04/2018 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đức dù không tham gia vào các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp, song chính phủ nước này lại ủng hộ, coi đây là việc cần thiết cảnh báo Syria.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất (G7) ở thành phố Toronto, Italia, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 21/4 hối thúc Nga hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: Faz.net.

Cuộc xung đột này đã gây tổn hại mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa phương Tây và Nga và càng trở nên trầm trọng hơn sau chiến dịch không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi tuần trước.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Chúng tôi cần những đóng góp mang tính xây dựng của Nga để đạt được một giải pháp hòa bình và điều này cũng đúng trong cuộc xung đột tại Ukraina. Ngoại trưởng các nước G7 sẽ thảo luận những vấn đề này trong cuộc họp tại Toronto. Nga không phải là thành viên của nhóm G7 và sẽ không tham gia cuộc họp".

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhiều lần chỉ trích sự can dự của Nga trong cả hai cuộc xung đột Syria và Ukraina, cũng như cùng với đồng minh Liên minh châu Âu liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Tuy nhiên, tân Ngoại trưởng Heiko Maas, vốn xuất thân từ đảng Dân chủ Xã hội, theo truyền thống lại đang tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.

Dự kiến tuần tới, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tham dự một hội nghị quốc tế về Syria ở thủ đô Bruxelles, Bỉ, với trọng tâm là hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Syria; một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với tiến trình hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và nhận thức được sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài quá lâu này.

Đức dù không tham gia vào các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp, song chính phủ nước này lại ủng hộ hành động này, coi đây là “việc làm cần thiết và thích hợp” để cảnh báo Syria chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học.

Trước đó, cũng trong ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố, các lực lượng vũ trang Đức đã có thể tham gia, song lần này lại không được hỏi ý kiến. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Đức rất hạn chế tham gia các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài và chỉ hạn chế vào hoạt động đào tạo, giám sát, cứu hộ và bảo vệ y tế.

 

Theo Thu Hoài/ VOV.VN

Tệp đính kèm