Cập nhật: 22/04/2018 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dù đều nhất trí cho rằng tranh chấp thương mại là mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu, nhưng không thảo luận bước đi cụ thể nào về thương mại và vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. 

Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu với báo giới ngày 20/4 sau cuộc họp tại thủ đô Washington diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne nói: “Chúng tôi không thảo luận bước đi cụ thể nào về thương mại. G20 không phải là nơi bàn thảo giải quyết vấn đề liên quan. Đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

Đây được coi là sự thiếu vắng đáng ngạc nhiên đối với một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt kinh tế toàn cầu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và ngăn chặn các nguy cơ khác.

Bộ trường Dujovne nói thêm: “Chúng tôi cũng cần nhận thấy những hạn chế của mình…, và cố gắng tìm ra một sự đồng thuận, ngay cả khi sự đồng thuận đó hạn hẹp hơn mức mong muốn."

Các bộ trưởng G20 đã bày tỏ sự quan ngại về sự gia tăng của “chính sách hướng nội."

Bên cạnh đó, cuộc họp đề cập tới nhiều vấn đề đang "nóng" ở thế giới như việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu có thể gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính, dẫn tới mất cân bằng tài chính cũng như các nguy cơ địa chính trị như cuộc xung đột ở Syria.

Do không thể thống nhất ý kiến về chủ nghĩa đa phương cũng như thương mại, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 không thể đưa ra được tuyên bố chung.

G20 bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Vương quốc Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Argentina giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2018.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chỉ ra những căng thẳng thương mại là rủi ro chính đối với sự phục hồi thương mại toàn cầu.

Giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng tranh chấp làm suy giảm sự tự tin và có thể tác động đến đầu tư. Bà kêu gọi các chính phủ “tránh xa chủ nghĩa bảo hộ” và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại thay vì hành động đơn phương. Đầu tư và thương mại là hai động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng.

 

Theo M.HẰNG/TTXVN/VIETNAM+

https://www.vietnamplus.vn/g20-tranh-chap-thuong-mai-de-doa-da-tang-truong-kinh-te-toan-cau/498640.vnp

Tệp đính kèm