Cập nhật: 23/04/2018 14:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (Quảng Ngãi) đã được Bộ VHTTDL chính thức phê duyệt. Trao đổi với Văn Hóa về kế hoạch triển khai, TS Nguyễn Văn Cường (ảnh), Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ quan chủ trì khai quật cho biết:

 - “Ưu tiên số một là công tác chuẩn bị, sẵn sàng lực lượng và các phương án kỹ thuật để khai quật toàn vẹn tàu cổ Dung Quất sau khi nguồn kinh phí Nhà nước cấp. Với kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình tham gia 6 cuộc khai quật tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam trước đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đủ năng lực để tiến hành khai quật tàu cổ đắm Dung Quất. Với các phương án đã được xây dựng khoa học và chi tiết, “trục vớt” tàu cổ Dung Quất sẽ là cuộc khai quật trọn vẹn đầu tiên, làm cơ sở và nền tảng cho ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam sau này.

Ông có thể khẳng định lại ý nghĩa của cuộc khai quật trọn vẹn đầu tiên trong lịch sử ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam ở trường hợp tàu cổ đắm Dung Quất?

- Việt Nam đã tiến hành khai quật lần lượt 6 con tàu đắm cổ trong thời gian gần 30 năm. Tuy nhiên, ở từng giai đoạn, điều kiện kinh tế, xã hội và kỹ thuật của chúng ta chưa cho phép việc tự tổ chức, tự chủ khai quật. Thực tế này dẫn đến việc các sưu tập hiện vật sau khi trục vớt đã bị phân chia, bán ra nước ngoài, hiệu quả văn hóa - kinh tế mang lại thấp. Đơn cử, sau khi khai quật tàu Hòn Cau tại Bà Rịa- Vũng Tàu (năm 1990-1991), trên 60 ngàn hiện vật đã được trục vớt và trong số đó, hãng Christies đã bán đấu giá tại Hà Lan với giá trị trên 6 triệu USD (phiên đấu giá tại Christies’s Amsterdam 1992). Tương tự, sau khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam, năm 1997-1999), trục vớt trên 240 ngàn hiện vật quý hiếm, trong đó có hiện vật được hãng đấu giá Butterfilds bán trên 3 triệu USD (Butterfilds Catalogue 2000)… Với những giá trị lớn như vậy, phải lưu giữ toàn vẹn, phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm là yêu cầu đặc biệt ý nghĩa và quan trọng.

Khi khai quật 6 con tàu đắm cổ trước đây, các đơn vị thực hiện hầu như mới quan tâm xử lý khối hiện vật bị chìm đắm. Trong khi xác tàu là hiện vật rất quan trọng thì chưa được trục vớt. Việc khai quật vỏ tàu sẽ giúp cho công tác trục vớt được trọn vẹn, qua đó phục vụ bảo tồn, nghiên cứu và chứng minh được vị trí quan trọng của con đường giao thương văn hóa trên biển của Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới. Khai quật trọn vẹn cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng ở Quảng Ngãi một bảo tàng hoặc nhà trưng bày về văn hóa biển đảo, qua đó nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển đảo.

 

Phía Bảo tàng đã sẵn sàng các phương án ra sao, thưa ông?

- Những kinh nghiệm thực tế sau 6 cuộc khai quật tàu đắm trước đây sẽ giúp cho đợt khai quật này rất nhiều. Trong thời gian qua, Bảo tàng cũng đã ký kết hợp tác, cử nhiều cán bộ sang học tập, trao đổi kinh nghiệm xử lý khai quật và bảo quản hiện vật dưới nước ở Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khảo cổ học dưới nước và xử lý bảo quản hiện vật có kinh nghiệm, có khả năng ứng dụng các khoa học kỹ thuật hiện đại. Bảo tàng cũng đã tích cực chuẩn bị và sẵn sàng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan để tiến hành khai quật, trục vớt và xử lý bảo quản hiện vật, xác tàu. Đồng thời, xây dựng phương án trưng bày, phát huy giá trị tàu cổ đắm Dung Quất.

 

Các thợ lặn đã bất chấp sóng to để tiến hành khảo sát nhiều đợt về vị trí tàu đắm

Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Bảo tàng tiến hành khảo sát và lặn thăm dò khu vực đắm tàu cổ Dung Quất. Ông có thể cho biết kết quả đợt khảo sát này như thế nào?

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc trục vớt tàu cổ đắm Dung Quất và quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, thăm dò và lập phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, Bảo tàng đã chủ trì tiến hành điều tra, khảo sát và lặn thăm dò tàu cổ Dung Quất. Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến xấu, biển động mạnh nhưng qua việc lặn thăm dò cũng đã xác định được tọa độ vị trí tàu đắm, cách bờ chắn sóng của cảng chuyên dùng số 3 thuộc Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi 18 mét, ở độ sâu 8,6 mét so với mặt nước biển. Toàn bộ thân tàu được che phủ bởi lớp cát dày, nổi cao, từ đó có thể xác định tàu dài khoảng 30 mét, rộng 10 mét, chở gốm sứ hoa lam cao cấp, là sản phẩm của các lò gốm “Quan”, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Qua nghiên cứu các tiêu bản hiện vật đã xuất lộ cho thấy đồ gốm sứ của tàu Dung Quất có nhiều loại hình, kích cỡ và hoa văn trang trí khác nhau, số lượng có thể lên tới hàng trăm ngàn tiêu bản, nhiều hiện vật đáy còn có ký tự đề niên hiệu Đại Minh Gia Tĩnh niên chế đời vua Minh Thế Tông (1521- 1567). Đây là những di sản rất có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử giao thông trên biển của Việt Nam.

Mặc dù hiện trường khu vực phát hiện tàu cổ Dung Quất đang được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng do đây là khu vực mà Công ty Hào Hưng đang triển khai nạo vét và tận dụng khối lượng vật liệu nạo vét để phục vụ san lấp mặt bằng dự án Bến chuyên dùng phục vụ chung cho Khu Kinh tế Dung Quất, vị trí phát hiện lại gần bờ nên dễ dẫn đến tình trạng khai thác, trục vớt trái phép cổ vật chứa đựng trong tàu, gây thất thoát. Sóng thủy triều cũng dễ làm hư hỏng và phá hủy thân vỏ tàu, cổ vật dưới nước. Tình trạng cấp bách này đòi hỏi di sản phải được khẩn trương khai quật, trục vớt. Thời gian này vùng biển Dung Quất cũng ít bị ảnh hưởng bởi gió bão, thủy triều và dòng chảy ngầm, thuận lợi cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước.

 Di vật được phát hiện

Cụ thể, trục vớt tàu cổ Dung Quất sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Nghiên cứu và khai quật tàu cổ đắm Dung Quất nhằm mục đích thu thập toàn vẹn và đầy đủ nhất xác tàu, vật dụng của thủy thủ đoàn và cổ vật để gìn giữ, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản. Nội dung đầu tiên là xác định vị trí chính xác của con tàu, phạm vi phân bố của tàu và hiện vật. Vị trí này cần được xác định không chỉ con tàu mà cả khu vực rộng lớn xung quanh nhằm không bỏ sót hiện vật vì khi chìm, tàu có thể bị nghiêng, lật, hiện vật đổ tràn ra các vùng xung quanh. Tiếp theo là các nội dung như đo vẽ, chụp ảnh, quay phim hiện trạng tàu; tiến hành khai quật theo từng khoang, ô, trục vớt xác tàu; xử lý bảo quản khẩn cấp xác tàu và hiện vật; thống kê, phân loại, đo vẽ, chụp ảnh, miêu tả, giám định niên đại, ghi số và lập phiếu đăng ký hiện vật…

Để thực hiện các bước công phu này không chỉ đòi hỏi một đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm mà hệ thống phương tiện, thiết bị phục vụ khai quật cũng rất đồ sộ. Quy trình thực hiện cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên môn phức tạp. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện toàn bộ những nội dung khai quật trong 60 ngày để hoàn trả lại mặt bằng thi công cho Công ty Hào Hưng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giới chuyên môn đánh giá cao mục đích việc trục vớt xác tàu cổ, điều chưa có tiền lệ khi khai quật các con tàu đắm trước đây. Bảo tàng có dự kiến các tình huống khi thực hiện công việc rất khó này không, thưa ông?

- Nếu như kết cấu thân tàu còn tốt thì có thể xử lý cố định thân tàu bằng khung kim loại để đảm bảo kết cấu thân tàu, dùng lưới kim loại để ổn định thân tàu và khung kim loại trước khi đưa xác tàu lên. Chúng tôi dự tính để đưa xác tàu lên sẽ dùng các thùng phuy nhựa 200 lít gắn vào cáp và khung, lưới kim loại, phân đều ở các vị trí, sau đó bơm khí đều mỗi phuy để từ từ nâng xác tàu nổi lên mặt nước rồi mới cẩu đưa lên bờ, dùng xe siêu tải đưa về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Trong trường hợp kết cấu tàu không còn tốt, có thể định vị, đánh số ký hiệu, sau đó tháo dỡ từng tấm ván và đưa lên bờ, sau khi xử lý bảo quản, làm cứng bề mặt sẽ lắp ghép lại thân tàu như cũ.

Qua nghiên cứu các tiêu bản hiện vật đã xuất lộ cho thấy đồ gốm sứ của tàu Dung Quất có nhiều loại hình, kích cỡ và hoa văn trang trí khác nhau, số lượng có thể lên tới hàng trăm ngàn tiêu bản, nhiều hiện vật đáy còn có ký tự đề niên hiệu Đại Minh Gia Tĩnh niên chế đời vua Minh Thế Tông (1521- 1567). Đây là những di sản rất có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử giao thông trên biển của Việt Nam.

BẢO ANH (thực hiện)

Theo baovanhoa.com.vn


Tệp đính kèm