Gần đây dư luận xôn xao trước thông tin liên quan đến con tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sau 8 tháng phát hiện vẫn nằm im dưới đáy biển. Trước câu hỏi vì sao có chuyện chậm trễ như vậy, doanh nghiệp thi công công trình cầu cảng trong dự án thuộc Khu Kinh tế Dung Quất khẳng định trên báo chí, nguyên nhân chậm trễ là do Bộ VHTTDL vẫn chưa có kết luận về phương án khai quật, hậu quả đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Bản chất của vụ việc nằm ở đâu?
Một số di vật gốm sứ tìm thấy ở vị trí phát hiện tàu vổ đắm Dũng Quất (ảnh trên) và vị trí tìm thấy tàu đắm( ảnh dưới) Ảnh do BTLSQG cung cấp
Bài 1: CHẬM VÌ RẮC RỐI ĐỀN BÙ?
Trong những ngày qua, liên tiếp nhiều tờ báo đăng tải thông tin phản ánh sự việc trong quá trình thi công công trình cầu cảng lớn nhất trong dự án xây dựng hệ thống bến chuyên dụng ở vùng biển thuộc Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (Công ty Hào Hưng) đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ lẫn trong cát được hút lên. Công ty này lập tức đã cho dừng thi công, cử thợ lặn kiểm tra đáy biển và phát hiện một chiếc tàu cổ dài khoảng 20-30m có chứa nhiều hiện vật cổ, bao gồm chén, đĩa, bát có kích cỡ và hoa văn khác nhau. Công ty này cũng đã nhanh chóng báo cáo về phát hiện này tới tỉnh Quảng Ngãi. “Dù không có chuyên môn nhưng chúng tôi nghĩ con tàu có giá trị lịch sử, văn hóa lớn bởi vị trí vùng biển này nằm gần với vùng phát hiện nhiều tàu cổ ở biển Bình Châu”, trả lời báo chí, lãnh đạo Công ty Hào Hưng cho biết.
Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và chuyên gia khảo sát thực địa khu vực phát hiện tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất
Tàu cổ nằm im chờ khai quật?
Công ty này cũng thông tin thêm, vì con tàu cổ chỉ cách cảng biển khoảng 20 mét, nằm dưới độ sâu 9 mét nên họ đã cử người túc trực bảo vệ đề phòng mất cắp. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng túc trực 24/24 giờ để bảo vệ con tàu đắm cổ.
Thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt về con tàu đắm được cung cấp từ giới chuyên gia khảo cổ cho hay, những mảnh gốm sứ được lấy lên từ con tàu thuộc phong cách gốm sứ Trung Quốc ở thế kỷ XV- XVI.
Tuy nhiên, dư luận còn quan tâm hơn nữa về những thông tin liên quan khác cũng được cung cấp từ Công ty Hào Hưng, đó là sau hơn 8 tháng kể từ khi phát hiện, việc khai quật con tàu đắm cổ cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong khi cảng biển đang được đầu tư mà Hào Hưng chịu trách nhiệm thi công có tổng vốn trên 1.700 tỉ đồng. Vướng con tàu cổ , công trình do doanh nghiệp thi công cũng bị đình trệ và mức thiệt hại do chậm tiến độ lên đến khoảng 100 tỉ đồng (tính đến tháng 3.2018).
Trao đổi với Văn Hóa sau những thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ quan chủ trì khai quật khẳng định, cần ghi nhận động thái kịp thời báo cáo tình hình phát hiện di vật đến các cơ quan, đơn vị chức năng địa phương và tỉnh Quảng Ngãi của Công ty Hào Hưng. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kịp thời có những chỉ đạo với các cơ quan, ban, ngành chức năng của địa phương để tiến hành khảo sát và khoanh vùng bảo vệ. Qua khảo sát đã phát hiện được xác tàu cổ, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm sứ. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã xây dựng phương án khai quật khẩn cấp bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Cuộc họp trao đổi kế hoạch điều tra và lặn thăm dò giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và cơ quan chức năng
Tuy nhiên, qua việc xem xét, đánh giá giá trị, tầm vóc của di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam cũng như nhu cầu thực tiễn của công tác khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam, Bộ VHTTDL , Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước đều mong muốn được tiến hành nghiên cứu, khai quật tàu cổ Dung Quất với chất lượng khoa học cao, lưu giữ được toàn vẹn con tàu với đầy đủ bộ sưu tập hiện vật và xác tàu để trưng bày phát huy giá trị, giới thiệu về văn hóa, lịch sử giao thương trên biển, quảng bá giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam đến với công chúng, khách tham quan du lịch và bạn bè quốc tế. Đồng thời, theo giới khảo cổ học dưới nước, thông qua công tác khai quật tàu cổ Dung Quất, có thể xây dựng được quy trình khai quật khảo cổ dưới nước và đào tạo được đội ngũ các nhà khảo cổ dưới nước chuyên nghiệp- một lĩnh vực mà khảo cổ học Việt Nam còn hạn chế. Xuất phát từ chủ trương này, Bộ VHTTDL đã giao Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với các cơ quan, chuyên gia nghiên cứu, tiến hành khảo sát thực địa vị trí tàu đắm ở vùng biển Dung Quất.
“Việc kịp thời báo cáo của Công ty Hào Hưng đã tuân thủ đúng quy định tại Luật Di sản văn hóa: Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật , cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch…”, ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.
Nhưng trước thông tin doanh nghiệp cho rằng, con tàu cổ sau hơn 8 tháng được phát hiện vẫn nằm im chưa được khai quật, ông Cường khẳng định: “Đó chỉ là một cách nói. Trong 8 tháng qua, Bộ VHTTDL và đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm chủ trì khai quật đã khẩn trương triển khai nhiều công việc nhằm xây dựng, chuẩn bị triển khai phương án khai quật theo đúng chỉ đạo và phê duyệt của Chính phủ. Tàu đắm cổ ở vùng biển Dung Quất là một tài sản văn hóa quốc gia, bất cứ một động thái liên quan nào cũng đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, cụ thể ở đây là Luật Di sản văn hóa cùng nhiều Luật, Nghị định khác có liên quan…”.
Rắc rối vì chuyện đền bù?
Lịch sử khai quật 6 con tàu đắm cổ đã được phát hiện trước tàu cổ Dung Quất trên vùng Biển Đông Việt Nam (bao gồm: tàu cổ Hòn Cau, Bà Rịa- Vũng Tàu; tàu cổ Hòn Dầm, Kiên Giang; tàu cổ Cù Lao Chàm, Quảng Nam; tàu cổ Cà Mau, Cà Mau; tàu cổ Bình Thuận, Bình Thuận và tàu cổ Bình Châu, Quảng Ngãi) đã ghi lại kết quả thu được trên 500.000 tiêu bản hiện vật gốm sứ có khung niên đại từ thế kỷ XIII-XVIII. Các sưu tập gốm sứ thu được đều có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế rất lớn, với nhiều sưu tập độc bản quý hiếm, trị giá hàng triệu USD.
“Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tất cả các cuộc khai quật tàu cổ nói trên đều được tiến hành dựa trên nguồn kinh phí của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, những cổ vật thu thập được đều phải phân chia cho doanh nghiệp hoặc đem bán đấu giá, đặc biệt xác tàu cổ không được trục vớt, nghiên cứu kỹ càng, dẫn đến sự không toàn vẹn của bộ sưu tập, làm hạn chế việc phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam…”, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Một số di vật gốm sứ tìm thấy ở vị trí tàu cổ đắm Dung Quất
Trong trường hợp con tàu đắm cổ ở Dung Quất, theo ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành khảo cổ học, nhằm hạn chế tình trạng mất mát, không toàn vẹn của bộ sưu tập cổ vật khi khai quật thì cần thiết phải có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác khai quật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện tại Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 8.7.2005 của Chính phủ về Quản lý và Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: “Xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước”.
“Ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam hiện đã có đủ điều kiện để tiến hành việc khai quật độc lập nhằm thu thập, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Mặt khác, vị trí con tàu sẽ khai quật lần này rất gần bờ nên không đòi hỏi nhiều thiết bị chuyên dụng để lặn sâu, giúp giảm bớt chi phí khai quật.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Bộ VHTTDL và cơ quan chủ trì khai quật là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đề nghị Chính phủ cho phép được tiến hành khai quật con tàu đắm cổ bằng nguồn kinh phí Nhà nước. Đây cũng là những mong mỏi của giới nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam…”, theo ông Nguyễn Văn Cường.
Trao đổi về thông tin chậm trễ khai quật đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ, mọi động thái, công việc đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai đều tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho biết, theo Luật Di sản văn hóa, trong quá trình thi công đối với bất cứ một công trình nào, nếu phát hiện di sản văn hóa dù dưới lòng biển hay ẩn trong lòng đất thì các hạng mục liên quan đến công trình đó đều phải dừng lại để thực hiện công tác khảo cổ, khai quật. Ở đây, khi phát hiện con tàu đắm cổ, đơn vị phải dừng thi công để chuẩn bị và chờ đến khi công tác khai quật hoàn tất là việc đương nhiên, đã được pháp luật quy định. “Không thể quy thời gian ngưng trệ thành số tiền thiệt hại như doanh nghiệp Hào Hưng đã thông tin trên báo chí những ngày qua. Bởi thực tế, liên quan đến công việc này, Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng đã và đang rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục cơ bản để trình Chính phủ và sẵn sàng triển khai công tác khai quật khi các thủ tục cần thiết được thông qua…”, ông Cường khẳng định.
Bài 2: Chính phủ đã chỉ đạo gì về trục vớt tàu cổ đắm?
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tất cả các cuộc khai quật tàu cổ nói trên đều được tiến hành dựa trên nguồn kinh phí của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, những cổ vật thu thập được đều phải phân chia cho doanh nghiệp hoặc đem bán đấu giá, đặc biệt xác tàu cổ không được trục vớt, nghiên cứu kỹ càng, dẫn đến sự không toàn vẹn của bộ sưu tập, làm hạn chế việc phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam…
Không thể quy thời gian ngưng trệ thành số tiền thiệt hại như doanh nghiệp Hào Hưng đã thông tin trên báo chí những ngày qua. Bởi thực tế, liên quan đến công việc này, Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng đã và đang rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục để trình Chính phủ và sẵn sàng triển khai công tác khai quật khi các thủ tục cần thiết được thông qua.
(Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Theo Bảo Anh/baovanhoa.com.vn