Liên quan đến con tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sau 8 tháng phát hiện vẫn chưa được khai quật, ngày 1.9.2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Ngãi truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc trục vớt tàu cổ đắm nói trên. Theo đó, Chính phủ giao Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án trục vớt; đồng thời cần làm rõ nguồn kinh phí trục vớt tàu cổ là từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Ngày 16.3.2018, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã ký ban hành Công văn số 855/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ quan chủ trì khai quật cho biết, sau khi dự án cấp nguồn kinh phí Nhà nước được thông qua, công việc khai quật di sản văn hóa đặc biệt giá trị này sẽ lập tức được triển khai.
Các chuyên gia khảo sát tại thực địa con tàu đắm cổ Dung Quất
Di vật tìm thấy tại tàu đắm cổ Dung Quất
Sẽ bảo tồn xác tàu đắm cổ
Như vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc trục vớt tàu cổ đắm Dung Quất thì những thông tin cho rằng việc chưa tổ chức khai quật do Bộ VHTTDL chậm thông qua phương án cũng như thiếu kinh phí, rắc rối chuyện đền bù là không chính xác. Trong số báo trước, Văn Hóa cũng đã khẳng định việc doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (Công ty Hào Hưng) thông tin tới báo chí việc phải chịu thiệt hại lớn do sự chậm trễ này cũng hoàn toàn thiếu cơ sở. Tàu cổ đắm Dung Quất cũng như nhiều con tàu cổ đã được khai quật trước đây là những tài sản văn hóa quốc gia, vì vậy, công tác khai quật cần được triển khai thận trọng, tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các luật định có liên quan. Mặt khác, với trường hợp tàu cổ đắm Dung Quất, các bước chuẩn bị cho công tác khai quật đã được Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan triển khai tích cực, chặt chẽ. Đến nay, đã sẵn sàng để thực hiện sau khi nguồn kinh phí Nhà nước phê duyệt cho việc trục vớt được chính thức thông qua.
Công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Hào Hưng, ý kiến của Bộ VHTTDL (Công văn số 3562/BVHTTDL-DSVH ngày 22.8.2017) về việc khai quật di sản tàu đắm cổ tại biển Dung Quất, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn khu vực có tàu cổ đắm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ VHTTDL tại văn bản số 3562, khẩn trương hoàn thiện phương án khai quật, trục vớt tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất theo đúng quy định tại Nghị định số 05/2017/NĐ- CP ngày 16.01.2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30.10.2009 của Chính phủ về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án trục vớt theo đúng quy định của pháp luật; trong đó làm rõ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện việc trục vớt làm cơ sở để xây dựng phương án phân chia tài sản sau trục vớt cho phù hợp. Bộ VHTTDL cũng được chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền và kết quả thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án trục vớt theo đúng quy định của pháp luật; trong đó làm rõ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện việc trục vớt làm cơ sở để xây dựng phương án phân chia tài sản sau trục vớt cho phù hợp. Bộ VHTTDL cũng được chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền và kết quả thực hiện.
|
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho việc trục vớt di sản tàu đắm cổ Dung Quất sẽ khắc phục được tình trạng trước đây, khi các tàu cổ đắm khác được khai quật theo nguồn kinh phí xã hội hóa đã làm mất mát nhiều cổ vật. Đặc biệt, sự đầu tư này sẽ không chỉ giữ gìn được sự toàn vẹn của bộ sưu tập mà còn cho phép trục vớt xác con tàu, điều mà trong 6 lần khai quật tàu cổ đắm trước đây chưa làm được. Chủ trương này vì thế về cơ bản đã đáp ứng nguyện vọng của giới chuyên gia ngành khảo cổ học cũng như phù hợp với các chính sách về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước theo Nghị định Chính phủ đã ban hành. Dẫn lại trường hợp tàu đắm Cù Lao Chàm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, khi đưa các hiện vật khai quật từ con tàu này ra nước ngoài trưng bày, nhiều hiện vật được định giá bảo hiểm lên đến 5-7 triệu USD. Chính bởi vậy, việc lưu giữ toàn vẹn và phát huy giá trị di sản tàu đắm cổ có ý nghĩa và giá trị cao, góp phần đảm bảo tính toàn vẹn của di sản.
Các thợ lặn khảo sát vị trí tàu đắm cổ Dung Quất
Dự kiến 60 ngày khai quật
Phản hồi các thông tin cho rằng tàu đắm cổ Dung Quất sau 8 tháng được phát hiện vẫn nằm im dưới đáy biển, phía cơ quan chủ trì khai quật là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, cũng trong quãng thời gian này trên thực tế đã có nhiều công việc được triển khai khẩn trương và bài bản, chặt chẽ nhằm chuẩn bị cho công tác khai quật sắp tới. Thông tin khẳng định Bộ VHTTDL vì những lý do này nọ dẫn đến sự chậm chễ, gây ảnh hưởng và đình trệ thi công của doanh nghiệp đã khiến cho dư luận hiểu sai bản chất của công việc quan trọng này.
Cụ thể, ngày 29.1.2018, Bộ VHTDL đã ký quyết định số 260/QĐ- BVHTTDL giao nhiệm vụ cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và đơn vị có đủ điều kiện thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật để điều tra, thăm dò và lập phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất.
Ngày 12.2.2018, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc lặn thăm dò đợt 1 và xây dựng dự thảo phương án khai quật tàu cổ đắm Dung Quất. Ngày 1.3.2018, Văn phòng Bộ VHTTDL có thông báo kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ điều tra, thăm dò và lập phương án khai quật tàu cổ đắm Dung Quất. Theo đó, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia được giao trực tiếp tham gia điều tra, thăm dò tàu cổ đắm Dung Quất để hoàn thiện phương án khai quật gửi Cục Di sản văn hóa. Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng giao Cục Di sản văn hóa tham mưu lãnh đạo Bộ thành lập Hội đồng thẩm định phương án khai quật tàu cổ Dung Quất.
Cách đây hơn một tháng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có Tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị thẩm định phương án khai quật tàu cổ Dung Quất. Theo đó Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) và các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lặn thăm dò để thu thập các thông tin khoa học liên quan, lập phương án nghiên cứu, khai quật và xử lý bảo quản bước đầu hiện vật tàu cổ Dung Quất.
Ngày 16.3.2018, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã ký Quyết định số 855/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất. Theo phương án được phê duyệt, mục tiêu nghiên cứu và khai quật tàu cổ Dung Quất nhằm thu thập các hiện vật chuyên chở trên tàu, vật dụng của thủy thủ đoàn và xác tàu đắm để gìn giữ, bảo quản, nghiên cứu, phát huy giá trị, góp phần phục vụ tham quan, nghiên cứu, phát triển du lịch văn hóa và KTXH trong vùng. Việc khai quật cũng sẽ góp phần nghiên cứu, làm rõ vai trò, vị thế của Việt Nam trong lịch sử giao lưu văn hóa và thương mại thế giới; hỗ trợ các cơ quan chuyên môn về khảo cổ học xây dựng quy trình khai quật, xử lý bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước; phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khảo cổ học dưới nước chuyên nghiệp; tiến tới xây dựng bảo tàng về văn hóa biển đảo.
Theo phương án được phê duyệt, địa điểm khai quật trong phạm vi bán kính 100 mét từ vị trí tàu đắm Dung Quất tại tọa độ 150 23’44’’ vĩ độ Bắc, 108047’48’’ kinh độ Đông, khu vực cảng chuyên dùng số 3 của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi thuộc thôn Tuyết Diêm 3. Trong các giai đoạn thực hiện, thời gian quan trọng nhất được xác định là 60 ngày khai quật, trục vớt hiện vật và xác tàu đắm. Thời gian dọn dẹp và hoàn trả mặt bằng là 15 ngày sau khi kết thúc khai quật. Thời gian xử lý bước đầu, thống kê, chỉnh lý, phân loại và giám định hiện vật là 150 ngày. Dự kiến tháng 12.2018 sẽ tổ chức báo cáo kết quả khai quật. Tháng 12.2019 sẽ hoàn thiện hồ sơ và báo cáo khoa học.
“Ngay sau khi đề án kinh phí thực hiện khai quật được chính thức phê duyệt, phương án trục vớt tàu cổ Dung Quất sẽ sớm được triển khai thực hiện. Với kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều lần trục vớt các con tàu cổ đắm trước đây, chúng tôi xây dựng phương án trục vớt trong 60 ngày và tự tin sẽ hoàn thành đúng tiến độ, sớm hoàn trả mặt bằng thi công cho Công ty Hào Hưng. Tuy nhiên phải nói thêm rằng, trên thế giới, việc khai quật di sản văn hóa dưới nước như thế này có thể kéo dài tới cả năm…”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ.
Bài 3: Tàu đắm cổ Dung Quất sẽ được trục vớt như thế nào?
BẢO ANH; Ảnh: Bảo tàng LSQG
Theo baovanhoa.com.vn