Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan tâm đến khả năng tiếp cận bình đẳng, làm giảm thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đến thời điểm hiện tại đã có 17 FTA, trong đó, 10 FTA đã ký kết, có hiệu lực. Nhưng không ít các doanh nghiệp hiện vẫn chưa rõ vì sao Việt Nam lại ký nhiều FTA như vậy, trong khi bản thân doanh nghiệp chưa thực sự cảm thấy được hưởng lợi rõ ràng từ các FTA.
Ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu phụ tùng Tân Phát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp có tham gia thị trường xuất - nhập khẩu với nhiều đối tác trong nước và nước ngoài. Mặc dù có nghe đến các FTA từ lâu, nhưng thực tế tác động từ các FTA này đối với doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) giải thích: Trước đây, trong quan hệ thương mại, Việt Nam hợp tác từ 60-70% các đối tác tại khu vực Đông Á nhưng kết quả thường thiệt, thua lỗ lớn. Điển hình, năm 2017, cán cân thương mại của Việt Nam với khu vực Đông Á thâm hụt gần 70 tỷ USD, trong đó riêng khu vực ASEAN chiếm 65 tỷ USD. Việc tham gia nhiều FTA, có quan hệ tốt hơn với một số đối tác ở các khu vực khác góp phần giúp Việt Nam cân bằng lại cán cân thương mại bị thâm hụt.
Cũng theo ông Khanh, việc tham gia các FTA đã giúp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng mạnh. Nếu như năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt trên 48 tỷ USD, nhưng đến năm 2017, con số này đã lên tới trên 213 tỷ USD.
Phân tích ví dụ về giá trị mà các FTA đem lại cho Việt Nam, ông Khanh dẫn chứng từ ngành dệt may. Xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ, nếu Việt Nam không phải thành viên của WTO, thuế quan áp dụng lên hàng may mặc thành phẩm bằng 150% so với thành viên WTO; còn nếu là thành viên thì thuế quan áp dụng thành phẩm trung bình là 25%. Nếu có FTA với Hoa Kỳ, mức thuế sẽ giảm chỉ còn 0-5% so với mức 25%.
Ngoài ra theo ông Khanh, các FTA còn đem lại nhiều lợi ích khác, nhất là FTA thế hệ mới rất quan tâm đến khả năng tiếp cận bình đẳng. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước phải tạo bình đẳng trong nội địa, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân,… từ đó giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực bình đẳng hơn. Các FTA còn giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường…
Năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục khởi sắc, khi năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam đang tăng nhanh, chất lượng ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, đã xuất hiện các thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Nhìn rõ thách thức từ xu thế bảo hộ thương mại đang gia tăng, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex - một trong những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, hạt tiêu đề xuất, để thúc đẩy xuất khẩu, cần phải dự báo đúng, trúng nhu cầu của thị trường.
“Hiện nay, khâu dự báo thị trường còn yếu. Thời gian tới, Chính phủ cần giao Bộ NN&PTNT hoặc Bộ Công Thương triển khai dự báo sản lượng sản phẩm tạo ra của các nước để từ đó các doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất”, ông Nam nói.
Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN