Cập nhật: 02/05/2018 14:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm nép mình dưới chân núi Rồng, bên Cột cờ quốc gia Lũng Cú (huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang), bản Lô Lô Chải hiện lên đẹp như một bức tranh hữu tình nơi sơn cước. Ðây là điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Hà Giang, cũng là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lô Lô trên cao nguyên đá.

Toàn cảnh Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Quang Thế

Đến Lô Lô Chải đúng tiết tháng ba, cả bản làng vùng cao như rực rỡ hơn trong sắc xuân đằm thắm. Những dải nắng vàng ruộm càng khiến mầu trắng hoa mận thêm tinh khôi, mầu xanh nương rẫy thêm trù phú, cả những vạt đá tai mèo sắc nhọn cũng trở nên bình yên, hiền lành đến lạ. Ngay sát bản là hồ nước tự nhiên rộng lớn vẫn được gọi là "long nhãn" (mắt rồng). Người Lô Lô nơi đây cho rằng họ đang sống trên mảnh đất được rồng thiêng che chở. Tương truyền, đây cũng là địa bàn quan trọng mà xưa kia, Thái úy Lý Thường Kiệt đã từng họp quân, biểu dương lực lượng; nơi vua Quang Trung cho đặt trống đồng để hiệu triệu quân lính, báo tin từ biên cương về Thăng Long…

Bà Vàng Thị Thành giới thiệu với du khách trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô (ảnh nhỏ). Ảnh: Việt Anh

Ðược người dân chỉ đường, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà anh Sìn Dỉ Gai, vị trưởng thôn trẻ tuổi mến khách được nhiều người biết đến. Anh Sìn Dỉ Gai cho biết, hiện cả bản có 105 hộ, với 483 khẩu, trong đó chỉ có mười hộ người Mông, còn lại là người Lô Lô. Trong 54 dân tộc anh em, Lô Lô là một trong những tộc người có số dân ít nhất Việt Nam, nhưng vẫn gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Vừa nói, anh vừa đưa chúng tôi đi thăm ngôi nhà trình tường của gia đình để hiểu hơn về nét độc đáo trong kiến trúc nhà ở người Lô Lô. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà không khác mấy so với nhà trình tường của các dân tộc khác, nhưng khi quan sát cách bài trí không gian bên trong mới thật sự cảm nhận được sự độc đáo. Anh Sìn Dỉ Gai giới thiệu: Nhà có ba gian. Gian bên phải là chỗ ở của ông bà, bố mẹ; gian trái là chỗ ở của con cái; gian ở giữa rộng nhất là để tiếp khách, cũng là nơi tổ chức việc cưới, việc tang và đặt bàn thờ tổ tiên. Không gian trên gác dành cho khách nghỉ lại và là nơi tích trữ lương thực như ngô, khoai, sắn… Nhà trình tường của người Lô Lô chủ yếu được xây bằng đất sét và đất thịt, mỗi bức tường dày 50 đến 60 cm; mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát cho nên còn được gọi là nhà "hai mùa". Thường sau khi gia cố móng bằng những tảng đá cuội, người ta dựng khung gỗ làm khuôn rồi nện chặt các bức tường bằng đất, sau đó lợp mái bằng ngói âm dương. Anh Gai cho biết, hiện Lô Lô Chải còn giữ được 37 nhà trình tường. Giữa trập trùng đá núi, những ngôi nhà này không chỉ mang đến nét đẹp đặc trưng cho vùng cao nguyên mà còn cho thấy sự tinh xảo trong kiến trúc và kỹ thuật làm nhà của đồng bào dân tộc miền núi.

Vị trưởng thôn 41 tuổi nói vui: "Tới Lô Lô Chải mà chưa "check in" cà-phê Cực Bắc, chưa thưởng thức những giọt cà-phê nơi đây thì chưa thể gọi là đã tới". Cũng vì câu nói khơi dậy sự tò mò mà chúng tôi theo chân anh Gai tới quán cà-phê đầu bản, có tên là Cực Bắc, cách nhà anh chỉ vài trăm mét. Thì ra, quán có cái tên đặc biệt như vậy là bởi nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú - nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc. Quán là nhà anh Dìu Dỉ Chiến và chị Lục Thị Vấn, được bao quanh bởi hàng rào đá chắc chắn. Bên trong là ngôi nhà trình tường truyền thống với khoảng bốn, năm chiếc bàn nhỏ kê ở góc sân, ngay cạnh quầy ba xinh xắn đủ chỗ cho khoảng chục người. Càng thú vị, ngạc nhiên hơn khi biết quán được tạo nên bởi một người Nhật Bản từng nhiều năm sinh sống tại Việt Nam. Phải lòng văn hóa Lô Lô Chải và mong muốn có thể quảng bá những giá trị văn hóa này tới nhiều người hơn, vị khách ngoại quốc này đã nghĩ ra cách làm từ thiện đặc biệt. Ông cố gắng thuyết phục gia đình chủ nhà đồng ý để mở một quán cà-phê tại gia; tự bỏ khoảng 200 triệu đồng mua sắm những vật dụng, trang thiết bị ban đầu như bàn ghế, ấm chén, xây nhà vệ sinh…; rồi bàn giao lại toàn bộ cho anh Chiến, chị Vấn quản lý. Ông còn cử người hướng dẫn kỹ năng pha đồ uống, cách giao tiếp với khách du lịch cho chủ nhà. Từng bước một, đến năm 2015, cà-phê Cực Bắc chính thức đi vào hoạt động và trở thành điểm đến quen thuộc khi tới Lô Lô Chải của du khách, nhất là những bạn trẻ và du khách nước ngoài yêu thích loại hình du lịch phượt. Anh Gai cho biết, chính nhà trình tường của gia đình anh cũng được vị khách Nhật Bản này hỗ trợ một nửa kinh phí để xây dựng đón khách du lịch. Ðồ uống chủ đạo của quán Cực Bắc là cà-phê pha phin truyền thống, nhưng thứ cuốn hút chúng tôi hơn lại là món rượu ngô trứ danh Hà Giang được chủ nhà chưng cất từ nguồn nước suối trên cao và những men lá quý… Nhấp ngụm rượu ngô nồng ấm, phóng tầm mắt ra xa, một cảm giác vừa bình yên vừa quá đỗi tự hào bỗng trào dâng khi bắt gặp hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, hiên ngang đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Ngồi trước bậu cửa quán, bà Vàng Thị Thành, 62 tuổi, người lớn tuổi nhất trong gia đình đang say sưa thêu váy áo cho cháu gái. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu, bà gọi đứa cháu trai Dìu Dỉ Khanh, 14 tuổi ra làm phiên dịch viên vì bản thân bà không nói thạo tiếng Kinh. Bà chia sẻ, từ năm 18 tuổi, bà đã được bà và mẹ của mình dạy dệt thêu trang phục truyền thống. Tới khi con trai lấy vợ, bà lại truyền kỹ thuật cho con dâu. Dù ngày nay, trong những phiên chợ Ðồng Văn bày bán nhiều loại vải nhập mầu sắc sặc sỡ, nhưng phụ nữ Lô Lô vẫn chuộng những loại vải do chính mình dệt và nhuộm từ những loại củ, lá tự nhiên để có được sắc vải tươi tắn nhất. Bà Thành cho biết, để mặc xong một bộ váy áo, phụ nữ Lô Lô cần tới cả tiếng đồng hồ, bởi một bộ trang phục là sự kết hợp đa dạng của nhiều chi tiết như: Khăn đội đầu, áo, quần, dây lưng, yếm quần, khăn tay, xà cạp… Phải kết hợp bốn thứ mới thành áo, ba thứ mới thành váy, ấy là chưa kể còn phối cùng các đồ trang sức bạc cho bắt mắt như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn,… Tay áo thường rộng, được ghép từ nhiều vòng vải màu khác nhau với nhiều họa tiết nhỏ được thêu công phu như: Hoa văn hình tam giác, hình vuông, thảo quả, cánh chim, mặt trời, ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch… Trang phục của nam giới thì đơn giản hơn, thường là quần đen với áo đen thân dài trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải. Cũng bởi cầu kỳ như vậy cho nên để làm ra một bộ váy áo truyền thống, phụ nữ Lô Lô giỏi thêu thùa và chăm chỉ may vá cũng mất tới hai đến ba năm mới xong, và hiện mỗi bộ có giá lên tới 15 triệu đồng. Theo bà Thành, các bộ trang phục truyền thống được thêu tay của người Lô Lô thường được những du khách nước ngoài tới mua sau khi họ chứng kiến tận mắt sự công phu, cẩn thận trong tạo hình từng chi tiết trang phục. Quần áo của người Lô Lô hiện cũng được coi là một trong những trang phục truyền thống đẹp và độc đáo bậc nhất ở nước ta. Ðể thuận tiện hơn trong sinh hoạt và lao động thường nhật, người Lô Lô nay mặc trang phục của người Kinh; song trang phục truyền thống vẫn là thứ không thể thiếu với họ, nhất là trong những dịp lễ, Tết đặc biệt.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh bản, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc ở Lô Lô Chải, anh Sìn Dỉ Gai đưa chúng tôi trở về nhà trình tường của anh để nghỉ ngơi. Ðây cũng là nơi anh đón tiếp khách du lịch theo mô hình "homestay". Anh Gai nói: Cuộc sống của người dân Lô Lô Chải trước đây chỉ dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Năm nào mất mùa có khi phải ăn mèn mén thay cơm. Nhưng từ ngày Lô Lô Chải được du khách biết đến, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh nghề nương rẫy truyền thống, một số hộ mở hàng bán tạp hóa phục vụ du khách; nhiều đàn ông trong bản kiêm thêm chạy xe ôm chở khách du lịch đi tham quan. Có hộ gia đình đã dũng cảm dùng nhà trình tường để kinh doanh du lịch homestay, đi đầu là gia đình anh Sìn Dỉ Gai. Anh Gai cho biết, mới đầu dân bản còn ái ngại lắm vì không nghĩ hình thức này sẽ mang lại kinh tế. Nhưng sau thấy gia đình anh đón được khách, một số hộ gia đình khác cũng học tập sửa sang, cải tạo nhà trình tường thành nơi đón du khách. Ðến dịp nghỉ lễ 30-4 này, cả bản đã có bảy hộ gia đình kinh doanh homestay. Tính trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượng khách lưu trú lại. Nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như "cháy" phòng. Từ năm 2007, khi Lô Lô Chải được công nhận là làng văn hóa và sau đó được tỉnh đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức được việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch. Những ngôi nhà truyền thống được gìn giữ tốt hơn, tất cả trẻ em được đến trường với những bài học về văn hóa Lô Lô được lồng gắn vào những tiết học văn hóa nhà trường. Những điệu múa, bản nhạc, vần thơ được lưu truyền trong các gia đình qua nhiều thế hệ…

Chiều dần buông, chị Vàng Thị Xuyến, vợ anh Sìn Dỉ Gai chiêu đãi chúng tôi và du khách bằng mâm cơm đậm phong vị núi rừng với gà bản, lợn đen, thịt trâu gác bếp và rượu tam giác mạch… Trong điệu múa dân gian xập xình của những chàng trai, cô gái dân tộc Lô Lô, nhịp sống dường như chậm lại. Càng thêm hiểu, thêm yêu con người, cảnh sắc và văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc.

 

Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm