Nhiều năm qua, Ðại úy Trần Anh Tuấn, với trái tim nhân hậu, nhiệt huyết đã cùng với những em nhỏ khiếm thị, những người đồng đội của mình mang âm nhạc tới từng giường bệnh để giúp các bệnh nhân có thêm niềm vui sống chiến thắng bệnh tật.
Ðại úy Trần Anh Tuấn hát cùng người bệnh.
Luôn nhiệt tình, sẵn sàng tham gia các hoạt động thiện nguyện, tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chính là ấn tượng ban đầu về Ðại úy Trần Anh Tuấn (công tác tại Phòng Công tác Ðảng, chính trị và quần chúng Trường đại học Phòng cháy chữa cháy). Ðại úy Trần Anh Tuấn từng được biết tới với tài năng chơi ghi-ta, tình nguyện tới Trường PTCS Nguyễn Ðình Chiểu để dạy đàn ghi-ta miễn phí cho các học sinh khiếm thị. Vẫn sự nhanh nhẹn, nhiệt tình ấy nhưng những gì Trần Anh Tuấn giúp đời, giúp người lại càng khiến người ta thêm cảm phục.
Ðại úy Trần Anh Tuấn không những đã dạy các em khiếm thị biết hát và chơi đàn thuần thục mà còn tổ chức cho các em mang âm nhạc đến bệnh viện với mục đích động viên, xoa dịu đi những nỗi đau bệnh tật, động viên tinh thần các bệnh nhân. Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Dạy các em biết chơi đàn chỉ là thành công bước đầu giúp các em có thêm những niềm vui trong cuộc sống; hướng dẫn các em biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình chính là cách để các em tự thấy mình đang sống có ích, sống một cuộc đời có ý nghĩa". Cứ thế trong nhiều năm, hình ảnh người lính trẻ khoác trên mình bộ sắc phục Công an nhân dân cùng những em nhỏ khiếm thị ôm đàn, hát cùng bệnh nhân đã trở nên quen thuộc với tập thể y, bác sĩ và các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và Bệnh viện K (Cơ sở 3 Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tại Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy, Ðại úy Trần Anh Tuấn xây dựng được một đội văn nghệ xung kích là các em học viên hát hay, chơi đàn giỏi để thường xuyên tổ chức các tiết học ngoại khóa thiết thực bằng những hoạt động thiện nguyện phục vụ bệnh nhân.
Cùng tham dự đêm giao lưu văn nghệ với các bệnh nhân ở Khoa Xạ đầu, cổ - Bệnh viện K do Ðại úy Trần Anh Tuấn và các đồng đội tổ chức mới cảm nhận được những cảm xúc, ý nghĩa của những lời ca, tiếng nhạc xuất phát từ con tim của người lính giàu lòng nhân văn, nhân ái. Những người lính áo xanh cầm theo chiếc ghi-ta mộc mạc, đến từng giường bệnh nhân trao tặng những món quà nho nhỏ rồi hát lên những giai điệu yêu đời, vui nhộn như tiếp thêm sức sống cho mỗi người. Hình ảnh cảm động trong đêm giao lưu khi ban nhạc biểu diễn bài "Ðêm Trường Sơn nhớ Bác" có một bệnh nhân là một cựu chiến binh chợt đứng phắt dậy, giơ tay chào nghiêm trang rồi thực hiện những động tác hành quân để phụ họa cho bài hát, khuôn mặt nhăn nheo, gầy guộc vì bệnh tật bỗng chốc trở nên hào hùng, như được sống lại thời kỳ chiến đấu anh dũng năm xưa. Có những bệnh nhân như anh Ðỗ Trọng Ðạt, ở tỉnh Hưng Yên, mỗi lần nhóm của Ðại úy Trần Anh Tuấn tới là hào hứng tham gia và trở thành "ca sĩ" chính của ban nhạc. Chính những người bệnh cũng mang lời ca tiếng hát của mình để xoa dịu người đồng cảnh ngộ.
Trần Anh Tuấn tâm sự, không hề có cơ duyên nào khiến anh trở thành một người lính đam mê hoạt động thiện nguyện mà những việc anh làm giống như một việc bình thường. "Ðối với mỗi người, thời gian đều rất quý giá, nhưng chỉ cần mỗi người hằng tuần, hằng tháng bỏ ra vài giờ là có thể tham gia các chương trình thiện nguyện. Khi gặp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những mảnh đời khó khăn, giúp họ có thêm động lực về tinh thần để chiến đấu với bệnh tật, vượt qua số phận sống một cuộc đời có ý nghĩa, không hoài phí những năm tháng thanh xuân", Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều lần, Trần Anh Tuấn cũng bị những lời châm biếm rằng anh "làm màu", làm thiện nguyện có mục đích. Nghe vậy, cũng có đôi chút trăn trở nhưng anh nhủ lòng rằng, cứ kiên trì với những việc nhân ái mình đang làm, điều tốt không phải một, đôi lần, một hai ngày mà làm bằng cả cuộc đời thì người khác sẽ hiểu. Một buổi chiều mưa năm 2016, khi đang làm nhiệm vụ phân làn, chống ùn tắc tại tuyến đường Tố Hữu - Thanh Bình (quận Hà Ðông, Hà Nội), Trần Anh Tuấn phát hiện trong đám đông có vợ chồng khuyết tật đang vất vả đẩy chiếc xe chở chổi chít đi bán. Hằng ngày, anh Nhất, chị Thu mang chổi chít từ Hội Người mù quận Hà Ðông đem bán làm kế sinh nhai nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Anh lập tức lên kế hoạch vận động đồng đội, bạn bè và cộng đồng cùng tiêu thụ chổi chít, tạo thêm việc làm cho một số người khuyết tật. Với những hành động ý nghĩa đó, Ðại úy Trần Anh Tuấn đã được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an gửi thư khen. Trong bức thư này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm biểu dương đồng chí Trần Anh Tuấn, đã có những việc làm tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa rất lớn, tiêu biểu cho hình ảnh, phẩm chất và tinh thần phục vụ nhân dân của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Theo LÊ TÚ/nhandan.com.vn