Trong lớp học của cô Côi, học sinh nhỏ nhất là 7 tuổi, học sinh lớn nhất đã 35 tuổi nhưng cũng chỉ mới đang bắt đầu học viết chữ o, chữ a.
Khoảng gần 8h sáng, Tùng (27 tuổi) có vẻ đau bụng, những nét viết chữ o, chữ a nguệch ngoạc. Khuôn mặt tái nhợt, tay Tùng ôm chặt lấy bụng, kêu khóc ầm ĩ. Thấy học trò có biểu hiện lạ, cô Côi hỏi han, dỗ dành, nghi Tùng bị đau ruột thừa, cô Côi vội nhờ những người dân xung quanh đưa Tùng đến bệnh viện.
Cả lớp nhốn nháo, có em cười, có em khóc, có em lại chỉ cầm chai nước lọc uống vào, nhổ ra rồi uống lại, có em trông cao lớn, nhưng ánh mắt ngơ ngác, sợ hãi, khi mọi người đến đưa Tùng đi.
Cô giáo Nguyễn Thị Côi (75 tuổi) đang giảng bài cho học sinh.
Đó là cảnh tượng tại “Lớp học linh hoạt” của Cô Nguyễn Thị Côi (75 tuổi) tại nhà văn hóa Khu dân cư số 2 phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Gặp tình huống ấy, có lẽ bất cứ ai cũng sẽ lúng túng, nhưng cô Côi lại bình tĩnh xử lý rồi nhanh chóng ổn định lớp học. Theo người dân quanh đây, những việc như thế diễn ra thường như cơm bữa tại lớp học của cô Côi.
Được biết, những đứa trẻ đến với cô Côi đều là trẻ tự kỷ, câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, lang thang cơ nhỡ. Cũng bởi vậy mà suốt hơn 20 năm qua, cô đã quen dần với việc phải xử lý mỗi khi có em lên cơn động kinh, ốm sốt hay đột nhiên nổi loạn…
Năm 1994, UBND quận Hai Bà Trưng đã rất vất vả tìm giáo viên đảm nhận lớp học đặc biệt cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo. Khi ấy, là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, cô Côi đã xung phong để đảm nhận lớp. Từ đó, một mình cô đi vận động những trẻ em lang thang từ các tỉnh lên Hà Nội đánh giày, bán bánh, vé số quanh khu vực Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) tham gia lớp học miễn phí. Theo lời cô Côi, thời ấy, khu vực này vốn là điểm nóng tập trung nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán heroin, mại dâm… “Nếu không quản lý, dạy dỗ, các em rất dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội”, cô Côi kể.
Sau 9 năm gắn bó với dự án, lòng thương với những mảnh đời cơ nhỡ của cô ngày càng lớn. Cô thấy thương, thấy tội cho các em, nên dù có vất vả, cô vẫn quyết tâm bám lớp đến cùng. Dự án kết thúc, thiếu nguồn tài trợ, song niềm hy vọng mang con chữ đến với những trẻ em bất hạnh của cô Côi vẫn không ngừng thôi thúc để cô quyết tâm tìm mọi cách duy trì lớp học.
Lúc này, không chỉ dừng lại ở đối tượng là trẻ em lang thang, cơ nhỡ, cô còn đi sâu vào từng khu dân cư, tìm hiểu và biết được có nhiều trẻ em bị tự kỷ, chậm phát triển, do quá tuổi, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường.
Từ đây, cô quyết định mở tiếp lớp học miễn phí dành cho những trẻ em đặc biệt.
Lớp học “đa cấp” trong một
Hầu hết các trẻ trong Lớp học linh hoạt của cô Côi đều có vấn đề về mặt nhận thức. Có học sinh cao lớn đã ngoài 30 tuổi, nhưng nay mới bắt đầu tập viết, tập đọc. Lớp có chưa đầy 20 học sinh nhưng đã có 4-5 trình độ khác khau.
Không giống với các lớp học khác, tại đây, cô Côi phải kèm cặp, giảng dạy riêng cho từng học sinh một. Giờ giải lao, cô cũng không được nghỉ mà ngồi giảng bài, kèm riêng cho những em học yếu.
Dạy học trò có nhận thức bình thường đã khó, dạy những học sinh bị thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật còn khó hơn nữa. “Có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi 5 chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau. Có những em đang học lại đứng lên chạy nhảy, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào”, cô Côi tâm sự.
Tiếp lời, cô kể: “Mỗi em mỗi hoàn cảnh, tình trạng bệnh khác nhau. Nên khi dạy các em, cô phải luôn quan tâm, chú ý quan sát từng em một. Không được nóng vội, dù có thế nào cũng phải kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng. Đặc biệt không được mắng mỏ, quát tháo các em. Chỉ cần mỗi ngày các em học được một chữ, nhất định các em sẽ học được. Tôi sẽ dạy cho các em nhớ ra, cho đến khi nào các em có thể đánh vần, làm toán”.
Gần 20 học sinh, là từng ấy hoàn cảnh, từng ấy tình trạng bệnh tình khác nhau, nhưng cô Côi nắm rõ thông tin của từng em trong lớp. Cô kể, Phúc sinh năm 1991, năm nay đã 27 tuổi, cao lớn, làm lớp trưởng, tuy nhiên nhận thức vẫn rất ngô nghê như một đứa trẻ.
Long bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Mỗi lúc như thế, cô lại phải đổi vai trở thành y tá, bác sỹ, bấm huyệt, cho em uống thuốc, nặng hơn thì phải đưa tới bệnh viện.
Không chỉ dạy chữ, nguyện vọng lớn hơn của cô Côi là dạy các em các kỹ năng sống, để những học sinh kém may mắn ấy có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.
Đã bao năm nay, Lớp học linh hoạt của cô Côi đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều bậc phụ huynh.
Anh Nguyễn Văn Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai bị tự kỷ, dù đã 15 tuổi, nhưng nhận thức mới chỉ như trẻ lên 3. Đưa con đến lớp học, anh Linh rơm rớm nước mắt kể: “Cô Côi tốt lắm, các cháu học ở đây cô đều cho miễn phí từ sách vở đến đồ dùng học tập, những cháu ốm đau, cô cũng luôn quan tâm, chăm sóc cẩn thận. Từ ngày đến lớp, cháu đã ngoan hơn nhiều, dần quen, hòa đồng với các bạn, không còn nghịch ngợm, nhận thức cũng tốt hơn trước”.
Từng làm công nhân trong lĩnh vực xây dựng, nhưng vì muốn điều trị cho con, nên anh Linh phải xin nghỉ hưu sớm, nhận lương hưu chưa đầy 2 triệu đồng/ tháng. Cuộc sống gia đình, chi phí việc chữa bệnh cho con trai thứ 2 và việc học của cậu con trai lớn đang học lớp 11 đều phụ thuộc cả vào đồng lương từ công việc tạp vụ của vợ anh. “Với những người lao động như chúng tôi, lớp học này thực sự bổ ích và quý giá”.
Ông Nguyễn Xuân Sen, (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) nay đã ngoài 70 tuổi phấn khởi kể về sự thay đổi của đứa cháu trai sau gần 1 năm theo học tại lớp học của cô Côi: “Trước đây cháu thường xuyên đánh nhau, thấy đồ vật gì cũng đập phá được, dễ khóc, dễ cười. Ngay cả khi đổi mùa, để cháu chuyển từ mặc quần áo mùa đông sang mùa hè cũng khó khăn chật vật đến hàng tuần mới thay đổi được. Thế nhưng từ khi học tại đây, cháu đã nhanh nhẹn hơn nhiều, biết giúp ông bà làm việc nhà, quét nhà, nhặt rau, biết viết chữ và làm toán”.
Với cô Nguyễn Thị Côi, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là được nhìn thấy nụ cười của những học trò và cả phụ huynh trong Lớp học linh hoạt. Đến nay, đã có 2 học sinh trong Lớp học linh hoạt thi đỗ đại học và có công việc tốt. Sự trưởng thành của các thế hệ học trò chính là động lực để cô tiếp tục cống hiến ngay cả khi tuổi đã xế chiều./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN