Cập nhật: 05/05/2018 10:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 4/5, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra bản án phúc thẩm đối với các bị cáo trong "đại án" kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Bản án phúc thẩm xác định, trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc Oceanbank đã cùng Hà Văn Thắm thỏa thuận và thực hiện việc chi tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất hợp đồng huy động vốn theo số dư tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các Tổng công ty và công ty trực thuộc PVN. Toàn bộ số tiền chi lãi ngoài của Oceanbank, Sơn đều trực tiếp nhận thay cho các doanh nghiệp của PVN.

Trong vụ án này, ngoài Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu còn có nhiều bị cáo khác là lãnh đạo Oceanbank, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống ngân hàng này và lãnh đạo một số  công ty, doanh nghiệp liên quan đến vụ án.

Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan khoản tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng phục vụ cho nhóm lợi ích của lãnh đạo Oceanbank, bản án phúc thẩm xác định, hành vi đó đã vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, dẫn đến hệ lụy là Oceanbank thất thoát vốn.

Với mức độ vi phạm rất nghiêm trọng như vậy nên hành vi của các bị cáo vượt ra khỏi phạm vi xử lý hành chính. Trong số tiền 1.576 tỷ đồng, có khoản tiền 246 tỷ đồng Oceanbank bị Sơn chiếm đoạt nên cá nhân Sơn phải bồi thường số tiền này. Vì vậy thiệt hại của Oceanbank còn hơn 1.300 tỷ đồng. Thắm là người giữ cương vị cao nhất của Oceanbank và chỉ đạo thực hiện nên phải chịu trách nhiệm lớn nhất.

Số tiền thiệt hại tại Oceanbank, trách nhiệm bồi thường thuộc về Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu. Trong đó, Thắm bồi thường 847 tỷ đồng, Sơn bồi thường hơn 200 tỷ đồng và Thu bồi thường 50 tỷ đồng.

Riêng về số tiền 500 tỷ đồng trong vụ án này liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bản án phúc thẩm xác định, bị cáo Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm bồi thường cho Oceanbank.

Kiến nghị xem xét giảm hình phạt xuống chung thân cho Nguyễn Xuân Sơn

HĐXX phúc thẩm xác định, bản án sơ thẩm xác định hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là không oan. Nhưng bị cáo Sơn đã thành khẩn khai báo, nhất là trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Gia đình bị cáo Sơn có công với cách mạng, bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong công tác. Bị cáo Sơn đã thể hiện ý chí muốn khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo cũng thể hiện mong muốn được khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Vì thế HĐXX phúc thẩm sẽ kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi bị cáo khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả về số tiền đã chiếm đoạt.

Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, bị cáo đề nghị khấu trừ một số khoản tiền trong số tiền thiệt hại của vụ án là có cơ sở.  Tuy nhiên, HĐXX chưa thể ra phán quyết trong bản án này vì vụ án vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Sau này làm rõ thì HĐXX sẽ kiến nghị với Cơ quan Thi hành án TP Hà Nội trừ đi số tiền mà bị cáo Thắm phải bồi thường.

Về kháng cáo của Công ty VNT và Công ty Đại Dương cũng như 68 cá nhân khác đề nghị buộc bị cáo Sơn phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho Công ty Đại Dương 20% số tiền đã chiếm đoạt, buộc các cá nhân đã chiếm hưởng tiền lãi ngoài bất hợp pháp bồi hoàn cho 2 công ty này theo tỷ lệ 20%, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, nếu quyết định trong vụ án này sẽ không bảo đảm được quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của luật. Vì thế, HĐXX dành quyền khởi kiện cho các cá nhân và cổ đông trên khi có yêu cầu trong một vụ án khác.

Về việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là Giám đốc các khối thuộc Hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank, HĐXX phúc thẩm đồng tình với nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, các bị cáo đều là người làm công ăn lương, hành vi vi phạm do chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên. Mặc dù không được hưởng lợi nhưng các bị cáo đã tích cực thu hồi và khắc phục hậu quả. Khi vụ án bị phát hiện, các bị cáo đều ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi số tiền thiệt hại.

Một số bị cáo có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, éo le, đến thời điểm này chưa có công văn việc làm.

Yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với Trần Thanh Quang

Về vai trò của ông Trần Thanh Quang, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, do có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra nên HĐXX phúc thẩm yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với Trần Thanh Quang để điều tra làm rõ hành vi phạm tội. Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX phúc thẩm xác định, các bị cáo đã phạm các tội danh như bản án sơ thẩm xác định là đúng tội, đúng pháp luật.

HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án như sau:

Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank tù chung thân (y án).

Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank tử hình (y án).

Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng Giám đốc Oeanbank 22 năm tù (y án).

Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank 20 năm tù (án sơ thẩm 22 năm tù).

Lê Thị Thu Thuỷ, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank 4 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù).

Vũ Thị Thuỳ Dương, cựu Giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước Oceanbank 42 tháng tù (án sơ thẩm 48 tháng tù).

Nguyễn Thị Nga, cựu Kế toán trưởng Oceanbank 30 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù).

Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc Khối nguồn vốn Oceanabk 36 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù).

Nguyễn Thị Thu Ba, cựu Giám đốc Khối bán lẻ Oceanbank 30 tháng tù (án sơ thẩm 36 tháng tù).

Đỗ Đại Khôi Trang, cựu Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Oceanbank 24 tháng tù (án sơ thẩm 36 tháng tù).

Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh 14 năm tù (y án).

Hứa Thị Phấn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ 17 năm tù (y án).

Nhóm các bị cáo nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh, Phòng giao dịch của Oceanbank từ 24 tháng cải tạo không giam giữ đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo (y án).

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm