Bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm đang đối mặt với nhiều thách thức.
Bức tranh sáng
Ngay sau khi công bố chỉ số tăng trưởng kinh tế quý 1/2018, các tổ chức trong nước đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra 6,7%. Cụ thể, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6,83%, trong khi đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương dự báo con số này ở mức 6,67%.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết quả tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy xu hướng kinh tế phục hồi một cách rõ nét và tương đối vững chắc trên cơ sở những cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao được năng suất, năng lực, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam quý I/2018 đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm qua (Ảnh minh họa: KT)
“Khi nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì sẽ thay đổi được cơ cấu kinh tế, trong đó có cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 lên 7,1% thay vì 6,3% trước đó. Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB nhận định, tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam dự kiến tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn.
“Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp”, ông Aaron Batten nhấn mạnh.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nổi bật là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ; gánh nặng thuế, phí; thời gian thực hiện thủ tục hành chính kéo dài; quản lý chuyên ngành vẫn đang là gánh nặng lớn của doanh nghiệp (DN).
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhiều mặt hàng không cần thiết kiểm tra chuyên ngành vẫn phải chịu kiểm tra. Thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN về chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh...
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: KT)
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều lô hàng dù đã có chuẩn quốc tế, đảm bảo các yêu cầu, nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây mất thời gian và chi phí cho DN.
“Quản lý chuyên ngành đã nói rất nhiều trong thời gian vừa qua. Đây là 1 trong những yếu tố cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giao thương xuất nhập khẩu và tham gia các hiệp định thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành đang ngày càng nhiều”, bà Thảo chỉ rõ.
Không chỉ những gánh nặng trong nước, các DN Việt Nam đang bủa vây bởi những khó khăn từ thị trường nước ngoài, khi mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng và ngày càng gay gắt. Cụ thể: Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu; áp thuế bảo hộ đối với một số mặt hàng nhập khẩu như: cá da trơn, tôm, máy giặt, pin năng lượng…
Bên cạnh việc đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và phòng vệ thương mại của các nước, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới, khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý 1 đã tăng rất cao. Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Cơ hội bởi Việt Nam có thể có thêm những thị trường xuất khẩu lớn, song thách thức nếu Việt Nam chưa chuẩn bị tốt và có thể sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam.
Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực DN. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực DN đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua đẩy mạnh cổ phần hóa và quản trị DNNN; kiên định với cải cách thể chế và có chính sách tiền tệ hợp lý. Bởi nới lỏng tín dụng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, song cũng có thể đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy của nợ xấu, cản trở năng suất và làm giảm dư địa điều hành nếu có những cú sốc bất lợi sau này.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN