Cập nhật: 11/05/2018 13:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cannes, một trong ba Liên hoan phim (LHP) lớn nhất châu Âu đã khai mạc hôm 9-5, mở ra những cơ hội, những hy vọng mới cho các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất… Tuy nhiên, liệu Cannes có giống như những LHP châu Âu khác, luôn phải đối diện với vấn đề bình đẳng giữa các nhà làm phim nam giới và phụ nữ?

Cate Blanchett, Chủ tịch BGK LHP Cannes năm nay.

Trong suốt hành trình lịch sử 71 năm của mình, Cannes là LHP uy tín nhất thế giới, nơi tập trung những tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ như Francis Ford Coppola, Quentin Tarantino hay Terrence Malick, cũng như những nam tác giả khác. Mặc dù có bề dày lịch sử, nhưng trong suốt chiều dài 71 năm, Cannes mới chứng kiến chỉ duy nhất một nữ đạo diễn nâng trên tay giải thưởng Cành cọ vàng, là Jane Campion, còn lại chỉ có một số ít nữ đạo diễn được mời chiếu phim tại hạng mục phim dự thi

Đó là một cái nhìn khá tệ. Những năm gần đây, lịch sử điện ảnh cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ của các nữ đạo diễn ở hầu hết các giải thưởng, cũng như được trả thù lao công bằng hơn, có nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên, Cannes vẫn tỏ ra khá bảo thủ với những thay đổi này. Năm nay, trong số phim tranh giải chỉ có ba phim của tác giả nữ, nhưng đó vẫn là con số cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong vòng 10 năm qua, có gần 180 phim từng dự tranh giải Cành cọ vàng, nhưng chỉ có 18 phim là của các nữ đạo diễn.

Một điểm sáng năm nay là Ban giám khảo, với người đứng đầu là nữ diễn viên nổi tiếng Cate Blanchett, cùng các đồng nghiệp nữ khác là Kristen Stewart và Ava DuVernay, sẽ cùng sáu nam đồng nghiệp khác quyết định người chiến thắng năm nay.

Mặc dù có sự hiện diện khá đông đảo so với mọi năm, nhưng Ban giám khảo năm nay cũng phải đối diện với những câu hỏi về bình đẳng giới và sự thiên vị trong cuộc họp báo ngay trước thềm LHP. “Chúng tôi có muốn đông nữ đạo diễn hơn trong cuộc thi ư? Tất nhiên là hoàn toàn có” – Chủ tịch Ban giám khảo Cate Blanchett trả lời. Nữ diễn viên cũng bổ sung thêm rằng những phản ứng về các vụ bê bối liên quan đến lạm dụng tình dục lại gây ảnh hưởng đến phim dự LHP Cannes. “Có một số phụ nữ hiện diện ở cuộc tranh tài này. Họ đến đây không phải vì giới tính của mình mà là vì chất lượng công việc”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Variety hồi tháng 4, Chủ tịch LHP Cannes Thierry Fremaux đã phản đối lại những lời chỉ trích cho rằng Cannes nên nêu bật nhiều hơn phim của các nữ đạo diễn. Ông ngụ ý rằng có không nhiều phụ nữ đủ thể lực để lăn lộn ngoài phim trường với những bộ đồ dày dặn và giày bốt, để sau đó đi đến phương nam (ngụ ý LHP Cannes) với sản phẩm dự thi của mình.

Ông cho biết: “Nhiều phim trong số phim dự thi của các đạo diễn nữ tại Cannes là phim đầu tay hoặc phim thứ hai. Họ là những nhà làm phim còn rất trẻ, và tôi sẽ không giúp họ bằng cách đưa phim của họ vào dự thi. Bởi vì cuộc thi vô cùng khắc nghiệt”.

Các LHP khác đặt sự đa dạng lên hàng đầu và là trọng tâm trong chương trình của mình. Gần 40% phim dự LHP Sundance năm ngoái là của phụ nữ, còn LHP London thì thậm chí còn có tỷ lệ cao hơn, với bảy trong số 13 phim là của các tài năng nữ. Sự hiện diện tại các LHP này rất quan trọng đối với các tài năng làm phim nữ, bởi vì những nơi đó là bệ phóng rất tốt cho nhiều người như Debra Granik, Lynn Shelton hay Dee Rees.

Sundance thường là một LHP ngoại lệ. Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ trong truyền hình và Điện ảnh của ĐH bang San Diego cho thấy, số phim của các đạo diễn nam được lựa chọn tại 23 LHP ở Mỹ thường cao gấp ba lần đối với sản phẩm tương tự từ các đạo diễn nữ.

Cannes không phải là LHP của châu Âu duy nhất bị chỉ trích vì thiếu công bằng đối với đạo diễn nữ. LHP Venice năm ngoái, trong số 21 phim dự thi chỉ có vỏn vẹn duy nhất một phim của đạo diễn nữ. Berlin khá hơn, với 21% số phim dự thi năm 2018 là của nữ giới.

Vấn đề ở chỗ, hình ảnh của Cannes thường được nhấn mạnh như một lễ hội thời trang cao cấp qua sự lăng xê của các ngôi sao từ khắp thế giới. Điều này cũng có nghĩa là những ngôi sao nữ và các vấn đề liên quan đến thời trang tại Cannes thường trở thành điểm nhấn của truyền thông khi nhắc đến LHP.

Chính vì thế, năm 2015, một trong những vụ đình đám nhất lại là một nhóm khách mời nữ không được phép vào LHP vì đi giày đế bằng, chứ không phải giày cao gót như quy định của LHP. Trong khi trang phục được ngầm quy định là giày cao gót và màu đen trang nhã, thì lệnh cấm đối với giày đế bằng được thổi phồng hơi quá trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có quan điểm như vậy. Cate Blanchett là một trong số đó, khi nữ diễn viên phản bác lại các câu hỏi cho rằng quyền dành cho phụ nữ có được thiết lập lại hay không khi nhìn vào hình ảnh các ngôi sao trên thảm đỏ chứ không phải là các nữ đạo diễn sau máy quay. “Hấp dẫn không loại trừ được thông minh” – Trưởng Ban giám khảo trả lời.

 

TheoTUYẾT LOAN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm