Trong bối cảnh năng lực thương lượng của công đoàn còn hạn chế, việc Nhà nước “rút tay” khỏi bảng lương dễ khiến người lao động bị chèn ép lương.
Bên cạnh cải cách chính sách về tiền lương trong khu vực công, Bộ LĐ-TB-XH cũng đang đề xuất sửa đổi, thay thế một số điều trong Nghị định số 49/2013/NĐ-CP liên quan đến việc xây dựng thang bảng lương trong khối doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: KT
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tiền lương, lao động cho rằng, từ trước tới nay, tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở thỏa thuận và thương lượng giữa các bên. Nhà nước quy định mức lương tối thiểu để tạo mức sàn, bảo vệ người lao động. Khoảng cách giữa các bậc lương trong thang bảng lương là 5%. Nếu không có những quy định này, người lao động dễ bị ép lương, ảnh hưởng đến quyền lợi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, về lâu dài, việc xây dựng thang bảng lương nên để cho doanh nghiệp và người lao động thương lượng, đưa ra quyết định.
Ông Huân cho rằng, nếu giữ nguyên khoảng cách giữa các bậc lương là 5% như hiện nay sẽ có nhiều bất cập như cùng làm một công việc nhưng lại có người lương cao, người lương thấp. Ngoài ra, theo quy định, từ tháng 1/2018, mức đóng BHXH tính trên cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác, như vậy khoảng cách 5% sẽ khiến doanh nghiệp thêm nặng gánh.
Song vị nguyên Thứ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam chưa thể bỏ hoàn toàn quy định về khoảng cách giữa các bậc lương hiện hành ngay tại thời điểm này. Bởi lẽ, những doanh nghiệp có ý thức có thể chia sẻ quyền lợi với người lao động, ngược lại sẽ có doanh nghiệp sẽ nhân đây để ép tiền công của người lao động khi năng lực thương lượng của công đoàn còn hạn chế.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), khu vực doanh nghiệp đã và đang có nhiều thay đổi, tiếp cận cơ chế thị trường bằng cách Nhà nước ngày càng ít can thiệp trực tiếp vào quan hệ lao động và tiền lương, tạo điều kiện cho các bên thương lượng, thỏa thuận dựa trên điều kiện kinh tế của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ lao động hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt năng lực thương lượng của người lao động và tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế, nên quy định về cơ chế tiền lương của khu vực doanh nghiệp vẫn cần sự quản lý và can thiệp của Nhà nước”, ông Quảng cho hay.
Theo ông Lê Đình Quảng, có tới 90% các cuộc đình công trong thời gian qua liên quan đến tiền lương và điều kiện làm việc. Các vụ liên quan trực tiếp đến lương, thưởng chiếm khoảng 60%. “Hiện nay, nếu giảm sự can thiệp của Nhà nước có ảnh hưởng đến tranh chấp lao động, liệu có làm gia tăng tình trạng đình công hay không”?, ông Quảng lo ngại.
Chuyên gia này cho rằng nếu để tự chủ trong việc xây dựng thang bảng lương, các doanh nghiệp sẽ có tâm lý chèn ép người lao động.
Do đó, cần có lộ trình rõ ràng trong việc thay đổi khoảng cách giữa các bậc lương trong thang, bảng lương khối doanh nghiệp. Trước đó, cần nâng cao nhận thức cho người lao động, năng lực thương lượng của công đoàn, tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát nghiêm việc thực hiện và tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động.
Để thực hiện mục tiêu này, đại diện TLĐ Lao động Việt Nam cho hay, phía tổ chức công đoàn đã có nhiều sự thay đổi lớn, đáp ứng theo xu hướng Nhà nước giảm dần can thiệp, người lao động và công đoàn tăng cường năng lực đối thoại.
“Tổ chức công đoàn hiện nay đã nhận thức được vấn đề này, có những giải pháp xác định lấy chức năng đại diện người lao động là hết sức quan trọng và cơ bản. Tập trung trong đối thoại thương lượng, lấy đối thoại thương lượng về tiền lương là một trong những nội dung cơ bản”.
Theo đó, công đoàn đang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kể cả kiến thức pháp luật, kỹ năng đối thoại thương lượng. Bên cạnh đó, ông Quảng cho rằng, nhà nước cũng cần có những điều chỉnh, sửa đổi luật để đảm bảo công đoàn cấp trên hỗ trợ công đoàn cơ sở, từ đó năng lực đối thoại tiền lương được tốt hơn, đảm bảo thương lượng bình đẳng, hiệu quả./.
Liên quan đến cải cách tiền lương trong khu vực công, ông Lê Đình Quảng cho rằng: "Chúng ta đang hướng đến cải cách tiền lương trả theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Như vậy, cần phải quy định chính xác vị trí việc làm, mô tả công việc theo vị trí đúng tính chất, khách quan. Nếu bố trí cán bộ theo đúng vị trí việc làm thì tiền lương được trả cũng sẽ chính xác. Về đánh giá mức độ hoàn thành công việc, lâu nay, vẫn có tình trạng nể nang, đánh giá công chức, viên chức, người lao động theo công việc chưa khách quan. Tiền lương không thể hiện được và không gắn liền với chất lượng, hiệu quả làm việc, vẫn mang tính bình quân. Đây là điều cần thay đổi ngay".
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN