Cập nhật: 15/05/2018 10:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà làm phim, nghệ sĩ nữ đã cùng nhau kêu gọi một sự công bằng hơn cho nữ giới tại LHP Cannes nói riêng và trong ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Không chỉ tập trung nhau trong một cuộc tuần hành ở rạp chiếu “trái tim của Cannes”, họ còn cùng nhau quảng bá những tác phẩm của nhà làm phim nữ ủng hộ nữ quyền hiện đang được trình chiếu tại LHP.

Các nghệ sĩ nữ tập trung tại bậc thềm rạp Palais để đấu tranh cho nữ quyền.

Các nghệ sĩ tên tuổi gồm Cate Blanchett, Marion Cotillard, Patty Jenkins và nhiều nữ nghệ sĩ, nhà làm phim khác đã cùng nhau tập trung tại sân khấu trung tâm của LHP Cannes để kêu gọi một cách ứng xử công bằng hơn đối với phụ nữ tại các LHP và trong ngành công nghiệp điện ảnh nói chung.

Trong bài phát biểu của mình, Cate Blanchett, nữ diễn viên nổi tiếng của Anh, cũng là Trưởng Ban giám khảo tuyên bố: “Có 82 nữ nghệ sĩ, đại diện cho những nữ đạo diễn đã bước lên những bậc thang của Nhà hát Palais, trung tâm của LHP, kể từ khi Cannes bắt đầu tôn vinh bộ phim đầu tiên vào năm 1942. Trong khi đó, có tới 1.866 nhà làm phim nam được đứng trên những bậc thang này, và đó là lý do mà các nhà làm phim nữ phải cùng nắm tay nhau hành động”.

“Phụ nữ không phải là thiểu số trên thế giới, ấy thế nhưng ở nhiều nơi, ngành công nghiệp giải trí vẫn đi ngược lại điều này. Chúng ta là những nhà biên kịch, sản xuất, đạo diễn, diễn viên, quay phim, người tìm kiếm và phát triển tài năng, biên tập, phát hành, bán hàng và tất cả những người làm công việc liên quan đến nghệ thuật điện ảnh, làm những công việc như đàn ông vẫn làm. Là phụ nữ, chúng ta phải đối đầu với những thử thách của riêng mình, nhưng chúng ta đã cùng nhau đứng trên những bậc thang này như một biểu tượng của sự quyết tâm và cùng giao ước để tiến bộ.” – Cate Blanchett nói.

Cate Blanchett cùng các nữ đồng nghiệp khoác tay nhau đi trên thảm đỏ tiến vào Palais như một biểu tượng cho nữ quyền.

Sau khi Trưởng Ban giám khảo phát biểu, Agnes Varda, nhà làm phim huyền thoại của Pháp từng nổi tiếng với bộ phim “Faces Places” nói thêm: “Những bậc thang của ngành công nghiệp điện ảnh phải là của tất cả chúng ta, hãy cùng nhau bước lên”.

Vụ bê bối Harvey Weinstein bị tố cáo quấy rối và tấn công hàng chục phụ nữ đã châm ngòi cho những thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ của toàn bộ ngành điện ảnh. Ban tổ chức cuộc mít-tinh cho biết, nhận thức về quyền của phụ nữ đã thay đổi sau khi nhiều người được “thức tỉnh” do ảnh hưởng của “Ngày Harvey”, gọi đó là một sự kiện khủng khiếp với những hệ quả nghiêm trọng. Sau khi Blanchett và Varda phát biểu, những người tham gia đã hò reo tán thưởng.

Các nhà tổ chức LHP đã bị chỉ trích bởi vì đã bảo thủ trong việc nhận thức vai trò của phụ nữ trong điện ảnh thời đại này. Họ cũng mắc sai lầm trong việc chậm trễ và không khuyến khích quảng bá cho các nhà làm phim nữ. Chỉ có 18 phim là của các nhà làm phim nữ được hiện diện tại Cannes 2018, một con số quá thấp kể từ khi các nhà làm phim nữ xuất hiện nhiều nhất vào năm 2011.

Cuộc tuần hành trên các bậc thềm rạp Palais do một phong trào có tên gọi 5050×2020 tổ chức, đã kêu gọi BTC LHP Cannes tạo nên một sự kiện bình đẳng hơn về giới và đa dạng hơn. Một buổi gala giới thiệu phim “Girls of the Sun” của đạo diễn Eva Husson cũng được tổ chức, và đây là bộ phim nói về cuộc đấu tranh vì tự do cho phụ nữ người Kurd.

Didar Domheri, nhà sản xuất của bộ phim “Girls of the Sun” cho biết, thực tế là đã có sự thay đổi lớn về nhận thức trong việc thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh. Có rất nhiều việc mà chúng ta phải làm tại LHP này, cũng như tại Mỹ, nơi có những phong trào tương tự như thế này được khởi xướng, thu hút được khá nhiều người. Và tôi cho rằng việc lựa chọn Cannes để hành động cũng là một cách làm thông minh đối với những chủ đề như thế này”.

Nhà sản xuất Domheri cũng cho rằng, năm nay sự hiện diện của giới nữ tại Cannes ngoài tư cách diễn viên ra là quá ít, cần phải khuyến khích để nhiều nhà làm phim nữ có thể đưa phim của mình tới Cannes.

Vốn được coi là nơi vinh danh và là điểm sáng về thời trang, LHP Cannes thu hút truyền thông bởi sự có mặt của nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới và những bộ trang phục, phụ kiện mà họ sử dụng trong những sự kiện thảm đỏ. Tuy nhiên, đây lại không phải là tín hiệu cho bình đẳng đối với phụ nữ. Điều mà phụ nữ cần là sự công nhận và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động khác của Cannes, đặc biệt là tham gia danh sách phim tranh giải, vốn xưa nay chỉ là cánh cửa hẹp đối với đạo diễn nữ.

Đồng thời, tại Cannes, nhiều bộ phim nói về đấu tranh cho nữ quyền của đạo diễn nữ cũng được các nghệ sĩ tích cực quảng bá. Cuối tuần qua, “Angel Face”, bộ phim tâm lý về một người mẹ khuyết tật do đạo diễn Vanessa Filho thực hiện đã chiếu ra mắt. Trước đó, “335”, một bộ phim gián điệp với nhiều tên tuổi như Jessica Chastain, Lupita Nyong’o hay Marion Cotillard tham dự cũng được giới thiệu. Phim được thực hiện theo kiểu nữ điệp viên gần giống với James Bond, và đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận phát hành trong nước Mỹ đầu tiên trị giá 20 triệu USD với Universal Pictures. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của LHP năm nay. Nhưng đây không phải là bộ phim do phụ nữ làm về phụ nữ duy nhất tìm kiếm sự ủng hộ hoặc phân phối. Nhiều đại lý và nhà phát hành cũng được chào về “The Expendables” và “The Hitman’s Bodyguard” – hai bộ phim sử dụng hình ảnh phụ nữ làm vai trò chính.

Các hoạt động đòi bình đẳng cho nữ giới dự kiến còn kéo dài đến tuần này. Trong ngày hôm nay, Giám đốc LHP Cannes là ông Thierry Fremaux, Giám đốc chương trình Directors’ Fortnight Edouard Waintrop, người phụ trách Tuần Phê bình Charles Tesson sẽ tham dự một cuộc họp với Bộ trưởng Văn hóa Pháp Françoise Nyssen và Chủ tịch cơ quan Điện ảnh Pháp Frédérique Bredin. Vấn đề bình đẳng giới cũng sẽ được các nhà làm phim, nghệ sĩ… đưa ra trong các hoạt động khác để thu hút sự chú ý, cùng với nhiều tổ chức hoạt động vì phụ nữ như Time’s Up của Anh và Mỹ, Cộng đồng Dissenso của Italy, tổ chức IMA của Tây Ban Nha và tổ chức Làn sóng của Phụ nữ Hy Lạp. 

 

Theo MI LAN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm